Trên bước đường tu, chúng ta có thể thâm nhập Phật đạo bằng hai cửa là Chân thật môn và Phương tiện môn. Chân thật môn là cánh cửa mở ra cho chúng ta đi thẳng đến tiêu điểm. Đó là con đường trực tiếp, ngắn nhất, nhưng đòi hỏi hành giả phải sử dụng bản tâm thanh tịnh để trực nhận được thật tướng các pháp. Điều ấy không đơn giản, chỉ có hàng Bồ tát bất thối chuyển hay Bồ tát từ Đệ bát địa trở lên mới có thể sử dụng chân thật môn. Vì vậy, Đức Phật khởi tâm đại bi, cứu độ chúng sanh bằng cách dẫn mọi người đi theo đường vòng, tức mở cửa phương tiện để hàng trung, hạ căn nương theo thoát khỏi đường hiểm sanh tử.
Đức Phật khai ra vô số phương tiện ứng hợp với khả năng, căn tánh mọi người, giúp họ hiểu biết, chấp nhận và sử dụng được quy luật phù hợp với chân lý, để sau cùng đạt đến cứu cánh toàn giác bằng với Phật. Ý nghĩa phương tiện cần được hiểu đúng đắn như vậy. Không thể nói càn rằng những điều sai trái là phương tiện để tránh né sự sai lầm của chúng ta. Vì mục đích đối trị phiền não của chúng sanh nhiều đến tám mươi bốn ngàn, nên Đức Phật triển khai phương tiện độ sanh cũng có đến tám mươi bốn ngàn pháp môn tu. Phương tiện hay cách Phật dạy chúng ta sống, sinh hoạt cho thích nghi với quốc độ, tức tùy phương và thích hợp với thời gian, tức tùy tiện. Tùy lúc, tùy nơi, chúng ta ứng dụng giáo pháp Phật để vơi bớt phiền não, giải quyết tốt đẹp mọi việc. Nếu không, chúng ta đầy ắp buồn phiền trong lòng, thân thì bệnh hoạn và hoàn cảnh thì khó khăn, làm sao tu được.
Muốn tiến tu, tất yếu phải áp dụng phương tiện, hay tùy theo nghiệp của chúng ta. Người giàu có sẽ tu theo cách giàu có, người nghèo tu theo cách của người nghèo, người giỏi, dở cũng vậy, đều có cách tu thích nghi theo hoàn cảnh của họ. Tất cả những pháp tu ấy đều là phương tiện tùy duyên, nhưng từng bước giúp chúng ta trưởng thành trên đường đạo. Như tôi xuất thân từ gia đình nghèo khó ở nông thôn, đương nhiên tôi phải tu theo kiểu người nghèo ở quê. Tuy nhiên, nhờ biết sử dụng phương tiện tương ứng với hoàn cảnh của mình mà tôi tiến tu được, còn đua đòi với người ở thành phố, chắc chắn sẽ hư.
Phải thấy khả năng, vị trí của mình và nhận biết được việc làm thích hợp mà ta theo đó ứng dụng pháp tương ưng được lợi lạc, đó là mục đích của pháp phương tiện. Và pháp thích hợp ấy cũng không thể cố định, mà nó phải linh động, thay đổi theo hoàn cảnh sống, theo từng thời kỳ khác nhau. Nhận chân sâu sắc tinh thần phương tiện của Phật dạy, lúc tôi tu ở nông thôn, hay ở thành phố hoặc ra nước ngoài, tùy từng chỗ từng lúc, tôi hành sử các pháp khác nhau để giữ cho tâm hồn trong sáng, giải thoát. Nhờ vậy, cuộc sống của tôi lúc nào cũng bình yên và tâm cũng theo đó an lạc. Có giữ được sức định tĩnh, chúng ta mới có thể tiếp nhận lực gia bị của Phật và bấy giờ tâm trí chúng ta sáng ra, thấy được cách sống đúng với đạo.
Trên bước đường tu của chúng ta, quan trọng là ở chỗ biết sử dụng phương tiện tu. Nếu không, chúng ta chỉ bắt chước và chấp chặt vào một điều gì đó thì chẳng lợi lạc gì cho mình và người, đôi khi còn bị thọ quả báo xấu. Điển hình như ở Campuchia, khi Pôn Pốt thẳng tay giết người tu, những Sa môn nghĩ rằng không thể thay đổi chiếc áo tu sĩ, sợ mất tư cách người tu, nên họ đã bị thảm sát. Nhưng có hai vị Sư mà tôi quen, nay một vị trở thành vua Sãi của Campuchia, đã thoát nạn nhờ thấu hiểu ý nghĩa sâu xa của pháp phương tiện, nên họ đã cởi bỏ chiếc y của nhà Sư để lánh nạn. Đức Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng, sự hiện hữu của chúng ta là sự hiện hữu của Phật pháp, tuy thân phàm mắt thịt, nhưng không có thân người thì Phật giáo trở thành vô hình vô ảnh, ai biết đến được.
Theo tinh thần kinh Pháp Hoa, Phật pháp tồn tại trong con người chúng ta là tồn tại trong hành động thánh thiện, trong lời nói chân thật và trong lòng đại bi của chúng ta. Không phải tồn tại trong con người vật chất bình thường này. Ta yêu quý thân tứ đại vì thân này chở được đạo. Ngược lại, không biết sử dụng thì thân này cũng đầy tội lỗi, ô uế. Tội lỗi hay công đức cũng từ thân mà ra. Ý thức như vậy để chúng ta mở cửa phương tiện, thể hiện qua hành động thánh thiện và tâm đại bi. Chính hành động thánh thiện và tâm đại bi tiêu biểu cho đạo, nên người nào có hai điều này thì họ tượng trưng cho đạo, hay nói cách khác, có một vị Phật hiện hữu ngay trong thân của họ. Vì vậy, họ ở đâu, ở đó an lành, thể hiện nét đẹp của đạo. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu chấp thân này là công đức, tiêu biểu cho Phật là sai; vì từ sự cố chấp ấy, vọng niệm chúng ta khởi lên, tội lỗi theo đó phát sanh. Phần nhiều, chúng ta tu dễ rớt vô chấp thủ thân tứ đại, mạng sống của ta, đạo của ta, nên cố gắng bằng mọi cách bảo vệ nó, phiền não sẽ theo đây mà tăng trưởng. Bấy giờ, cuộc sống chúng ta không có chút gì của Phật, vì cốt lõi bên trong là tâm đại bi, tâm Bồ đề đã tiêu tan. Mất tâm đại bi và tâm Bồ đề, tức Phật đã nhập diệt trong ta, thì ác ma hiện vô; nên hình thức tu sĩ còn, nhưng hành động, tâm tưởng không phải của người tu, chỉ toàn là đối phó, tranh giành, thủ đoạn để nắm giữ cho chắc cái Ta, cái của Ta, cái mà ta tự cho là đạo.
Có thể khẳng định rằng chúng ta cần giữ tâm Bồ đề và tâm đại bi mới làm nên đạo nghiệp và giữ được sinh mạng của Phật pháp. Muốn nuôi dưỡng, giữ gìn hai tâm này, chúng ta phải dứt khoát dẹp bỏ phiền não chướng, nghiệp chướng, gọi chung là chướng nhơ. Khi tâm hồn nhơ bẩn rồi thì từ đây mới sanh ra chướng ngăn che bên ngoài. Ham muốn là phiền não phải dứt trừ trước. Thí dụ thấy chùa đẹp, ta khởi tâm tham và muốn chiếm đoạt, nên đã dùng thủ đoạn để đẩy trụ trì ra khỏi chùa, chướng và phiền não phát xuất từ đó.
Người thực dạ tu hành, nhờ tâm Bồ đề sáng suốt nên thấy chùa tốt đẹp thì ta nghĩ đến công lao của người giữ gìn đáng quý. Ta tự nghĩ không có khả năng làm bằng như người, ta làm việc nhỏ hơn, bằng cách tùy hỷ, góp thêm phần công đức với họ. Ta thấy chỗ nào Phật pháp phát triển được, ta đầu tư vô. Còn khởi tâm tham, muốn tranh đoạt, được hay không đều khổ, phải thọ quả báo.
Phải biết rằng tâm nhơ nên mới có chướng, vì ta hay nhờ vả nên người sợ, tránh ta, không ai dám làm bạn. Chướng ngại là từ chỗ này. Chúng ta không biết tâm mình nhơ bẩn, mà cứ đổ thừa chướng ngại ở bên ngoài. Tâm tham càng nhiều, chướng càng lớn. Tâm tham muốn là phiền não, nó khởi lên chỗ nào, ta diệt ngay chỗ đó. Ghi nhớ lời Phật dạy như vậy, cái gì tôi muốn, tôi thích thì tự khắc phục, cắt bỏ nó bằng cách nhường cho người khác. Lâu ngày tâm tham muốn tự tiêu mất. Trước, ta có tánh xấu thích nhờ vả, không bao giờ bố thí, cúng dường, nhưng nay phát tâm Bồ đề rồi, chúng ta chỉ khởi ý niệm giúp đỡ người đi lên. Nay chúng ta cắt sạch phiền não nhơ trong lòng, tâm chúng ta sạch được một phần tham rồi thì chướng bên ngoài tự mất và bạn bè dễ dàng thân thiện với ta.
Ngoài lòng tham, còn phải dứt bỏ tánh nóng nảy, vì ta dễ bực bội, nổi nóng, gây gổ, ai dám kết bạn. Khi tâm nóng giận khởi lên thì mạnh nhất là nói chuyện bằng tay chân, kế đến là nói với nhau bằng lời thô ác nhất. Thử nghĩ cứ tặng cho nhau lời xấu nhất thì cả hai chẳng ra gì. Chúng ta tu, chưa tặng được cho người lời tốt lành, nên im lặng thì hơn. Cắt bỏ được cơn nóng giận cũng không đơn giản. Theo tôi, chúng ta phải có vị Thầy khả kính để nương theo mới vượt được nghiệp ác này. Mỗi lần chúng ta nổi giận thì hình ảnh thân thương hiền dịu của Thầy hiện ra, tác động cho ta hạ cơn thịnh nộ xuống. Trên bước đường tu, chúng ta biết sân hận là nhơ, nhịn ngoài mặt, nhưng trong lòng vẫn ấm ức là biết nhơ vẫn còn. Phải tìm cho được điều hóa giải nhơ trong lòng thì hoàn cảnh tốt mới đến. Thật vậy, khi người chống phá, mà ta hoàn toàn thanh thản, chắc chắn ta vô hiệu hóa được cái chống đó. Nhơ bên trong dẹp được thì chướng bên ngoài tự mất.
Đoạn được tham sân rồi, thì si mê cũng không có môi trường hoạt động. Vì thế, tâm Bồ đề rất quan trọng. Phổ Hiền Bồ tát dạy chúng ta phải luôn giữ tâm Bồ đề sáng suốt mới dứt trừ được chướng và nhơ, nhưng tâm Bồ đề sáng với điều kiện tâm chúng ta phải bình ổn. Giận dữ, buồn phiền, tham lam không phải là trạng thái tâm an lành. Ý thức như vậy, khi giận, buồn, chúng ta không nên phát biểu, vì nói sẽ có chướng. Ta phải lo diệt trừ nhơ trong lòng để tâm hoàn toàn bình ổn, bấy giờ, nhơ và chướng đều hết thì tâm trí chúng ta tự sáng lên, nhận ra những ý nghĩ, hành động trong quá khứ của chúng ta quá dở. Chúng ta hại được người, nói xấu người, nhưng nay tự thấy những điều đó hoàn toàn tồi tệ và phải trả giá đắt.
Tóm lại, tám mươi bốn ngàn pháp phương tiện mà Đức Phật đã khai triển nhằm giúp chúng ta dứt sạch chướng nhơ, để tâm Bồ đề phát triển, tâm đại bi mở rộng. Đó là hạt nhân quý báu giữ gìn mạng mạch Phật pháp tồn tại trên thế gian lợi ích cho chúng hữu tình và cũng là hành trang đưa chúng ta tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.
Mời quý vị nghe bài pháp thoại Pháp phương tiện do Thầy Thích Phước Tiến thuyết giảng tại Chùa Tiêu Giao, Hạ Long
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.