Ngày xưa có chị vợ kia
Lẳng lơ, trắc nết, thiết gì chồng đâu
Loạn luân phạm tội từ lâu
Tư tình lén lút: chị dâu em chồng.
Lửa tình càng cháy càng nồng
Đưa người vào chốn tột cùng ác tâm.
Vợ kia chẳng chút ngại ngần
Xúi em tìm cách hại ngầm người anh,
Thoạt đầu em chẳng nỡ đành
Tỉ tê xúi mãi nghe thành êm tai
Giết anh ngay! Tội tày trời!
Cả hai thỏa thích sống đời tự do.
*
Chồng tuy chết vẫn âu lo
Vẫn thương vợ cũ, muốn cho cận kề
Thằn lằn hóa kiếp trở về
Rơi trên mình vợ, phòng the nô đùa,
Vợ thời độc ác có thừa
Nhìn thằn lằn biết chồng xưa. Giết liền!
Tình yêu vợ mãi không quên
Chồng đầu thai lại về bên vợ nhà
Luôn nằm cạnh, chẳng rời xa
Làm thân con chó vào ra bên mình
Theo chân như bóng theo hình,
Trai làng đùa hỏi: “Cô thành thợ săn?”
Vợ nghe nổi máu dữ dằn
Cột ngay chó lại giết phăng nữa rồi!
*
Lần này chồng lại đầu thai
Làm con bò đực theo hoài vợ kia
Đi về quấn quýt mỗi khi,
Trai làng chọc ghẹo: “Cô đi chăn bò?”
Thế là cô vợ thẹn thò
Cột bò thật chặt. Giết cho khỏi phiền!
Chồng tuy bị giết ba phen
Vẫn còn vương vấn, chồng bèn đầu thai
Lần này thành cậu con trai
Vợ sinh ra cậu mừng hoài chẳng thôi.
Cậu trai góp mặt với đời
Kiếp xưa hằn dấu in nơi tâm hồn
Nhớ bao đau khổ dập dồn
Cậu làm khó mẹ, ẵm bồng chẳng cho,
Chỉ ưng ông nội chăm lo
Buồn vui khuya sớm, đói no tháng ngày.
*
Bốn mùa lần lượt vần xoay
Trẻ kia biết nói, giờ đây lớn rồi,
Một hôm thuật hết đầu đuôi
Bao nhiêu tiền kiếp từ thời xa xưa,
Nghẹn ngào nhìn nội khẽ thưa:
“Nó đâu là mẹ! Là thù đấy thôi!
Lòng gian ác, máu tanh hôi
Xúi người hiểm độc, sống đời loạn luân!”
Nội nghe kinh ngạc vô ngần
Gia đình địa ngục cõi trần chẳng sai!
Chuyện tình đẫm máu bi ai
Chao ơi tham ái hại người khổ thay!
Ông ôm cháu nói: “Từ đây
Chúng mình hãy bỏ chốn này ra đi
Cháu đừng buồn nữa làm chi
Ta tìm cửa Phật xin về nương thân!”
*
Thời gian trôi! Một mùa Xuân
Trong ngôi chùa nọ ở gần rừng hoa
Người ta thấy một tăng già
Sống cùng chú tiểu thật là bình an!
Chuông chùa thánh thót ngân vang
Như xua nỗi khổ trần gian tràn trề
Vén màn tăm tối u mê
Thênh thang tịnh độ đường về thơm hương.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Thi hóa Truyện Cổ Phật Giáo)
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.