Đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát thệ nguyện sâu rộng không ngần, tâm Từ Bi quảng đại vô biên, thế nên Ngài phân thân khắp vi trần sát độ trong mười phương thế giới, tùy duyên hiện hình, tầm thinh cứu khổ, độ cho tất cả chúng sanh thoát khỏi vòng khổ não. Đặc biệt, với chúng sanh ở cõi Ta bà này, tâm bi mẫn của Ngài càng chí thiết, thế nên chúng sanh nào chí thành xưng niệm đều được Ngài cứu độ không bỏ sót một ai.
Những năm gần đây, tất cả nhân loại thường gặp rất nhiều hoạn nạn, khổ ách, có muốn trốn thoát cũng khó đặng và cũng không có phương gì để tránh cho khỏi. Vì sao vậy? Vì trong thời hiện đại này, thế đạo nhân tâm xấu ác, đảo điên đến cực độ. Đối với cha mẹ là người có đại ân đức, sanh thành dưỡng dục mà còn ngang nhiên đề xướng bác bỏ hiếu đạo, kết bạn bè cùng với những kẻ ác nghịch giết cha hại mẹ. Thế nên, những ai sanh ra trong thời kỳ này, chẳng phải là việc buồn đau, đáng thương xót hay sao? Đại phàm những người có chánh tri chánh kiến, không một ai chẳng lưu tâm nghiên cứu Chánh pháp, không một ai chẳng lo tu trì Tịnh nghiệp để mong thoát ly cõi đời ác ngũ trược này, mau chóng dự vào Liên Trì Hải hội, như thế mới mong được thoát khỏi vô lượng thống khổ nơi cõi Ta bà này và được hưởng thọ sự an vui nơi Lạc quốc.
Nhưng đối với chúng ta, khi chưa được về Lạc quốc và vẫn còn đắm chìm trong cảnh khổ nơi Ta Bà thì cần phải có đấng Mẹ hiền để làm nơi nương tựa. Đấng Mẹ hiền ấy chính là Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát, vì Bồ Tát đối với cõi Ta Bà đau khổ, nhất là trong thời kỳ mạt pháp này, Ngài đặc biệt sanh khởi tâm Đại từ vô lượng, vận dụng lòng Đại bi đồng thể. Đối với tất cả thứ khổ nạn, Ngài luôn luôn thùy từ cứu độ. Thế nên, chúng sanh nào xưng niệm hồng danh của Ngài, nếu lúc gặp phải nguy hiểm liền hóa thành kiết tường, gặp phải nạn tai thì biến thành an lạc. Những sự việc linh ứng của Bồ tát không bút mực nào có thể tả xiết. Các tích cảm ứng của Bồ tát thường thấy tản mác trong các sách nhưng những bộ sách chuyên ghi chép sự linh ứng của Ngài thì có thể nói đến như Quán Âm Từ Lâm Tập của Hoàng Tán Đại sư, Quán Âm Trì niệm Ký của Cư sĩ Châu Khắc Phục, Quán Âm Linh Cảm Lục của Cư sĩ Vưu Tích Âm, Quán Âm Bổn Tích Tụng của Cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh, Quán Âm Linh Nghiệm Ký của Cư sĩ Nhiếp Vân Đài. Các bộ sách này đều có lưu hành trong nhân gian để mọi người trong các giới đều được đọc, nghe và truyền tụng.
Trong tất cả các ghi chép được xem là hoàn bị nhất thì chỉ có bộ Tân Biên Quán Âm Linh Cảm Lục của Cư sĩ Lý Viên Tịnh vì Cư Sĩ đã tổng thâu tất cả các bộ sách khác mà biên tập thành một bộ sách này. Có thể nói bộ sách này là tập truyện đầy đủ về những khía cạnh ứng nghiệm linh cảm của Đức Quán Âm, đồng thời làm chổ y cứ cho tất cả những người có tín tâm trì niệm danh hiệu Đại Sĩ. Tuy nhiên chúng ta nên biết vì sao Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có thể linh cảm được như vậy? Bởi vì Ngài có thể phản văn, văn tự tánh (nghĩa là không nghe theo thinh trần mà trở lại nghe nơi tự tánh) và chiếu kiến ngũ uẩn giai không (tức dùng trí soi chiếu đều thấy thân ngũ uẩn đều là không thật có). Thế nên, Tôi mong những vị nào được xem bộ sách này mà có thể chí thành khẩn thiết niệm hồng danh của Quán Âm Đại Sĩ, niệm đến lúc tất cả vọng niệm tiêu vong, chánh niệm hiện tiền thì tất cả phiền não ác nghiệp hiện có đều tiêu tán và quán được tất cả những cảnh duyên khổ vui đều không thật có. Chính trong trạng thái không thật có này, có thể phát khởi được tâm đại từ, vận dụng tâm đại bi, tùy cơ tiếp dẫn hóa độ, dùng tâm của Đức Quán Âm làm tâm mình, dùng việc làm của Đức Quán Âm làm việc làm của mình, đều muốn cho khắp chúng sanh đang bị thống khổ đồng được gội nhuần ân đức của Bồ tát Quán Thế Âm, từ ngày nay cho đến đời vị lai, đồng nhau thực hành hạnh của đức Quán Thế Âm để triển chuyển cứu độ lẫn nhau, đây là bản hoài của lão Tăng khi đề tựa vậy.
Mùa Thu Năm Kỷ Tỵ,
Tàm Quý Tăng Thích Ấn Quang
Hường viết
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.