Trích đoạn Thập Thiện Nghiệp Đạo Giống Như Là Đại Địa trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa do Pháp Sư Tịnh Không thuyết giảng
Cội rễ của Phật pháp là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo chẳng dài; trong kinh, đức Phật đã giảng rất rõ ràng: Thập Thiện Nghiệp Đạo giống như đại địa, cây cối, hoa, cỏ, đều sanh từ mặt đất. Như vậy mới là đã tìm được cội rễ. Đức Phật dùng điều này làm tỷ dụ. Pháp nhân thiên, Thanh Văn Bồ Đề, Duyên Giác Bồ Đề, cho đến Vô Thượng Bồ Đề, đều sanh từ đại địa này, tìm được cội rễ rồi. Cội rễ của Khổng Mạnh là gì? Cội rễ của Khổng Mạnh là Đệ Tử Quy. Cội rễ của Đạo Giáo là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên; ba thứ này không ai nghĩ đến! Những thứ này có thể sanh ra Tứ Thư, Ngũ Kinh, mười ba kinh, có thể sanh ra hết thảy các pháp Đại Thừa, sanh từ đây. Quý vị tìm những thứ này, học từ đây, hạ công phu là được, thật sự cứu được. Để cứu xã hội hiện thời, ba loại cội rễ này sẽ hữu dụng.
Hiện thời, chúng tôi nghĩ tai nạn rất nhiều, trong kinh luận, đức Phật đã dạy chúng ta: Nếu một địa phương có đạo tràng, một đạo tràng thật sự, chẳng giả. Đạo tràng thật sự là gì? Là Lục Hòa Kính. Quý vị thấy khi chúng ta thọ trì Tam Quy, “quy y Tăng, chúng trung tôn”, phải đọc lời thề này, câu này có nghĩa là gì? Tăng là tăng đoàn, là đoàn thể. Đoàn thể như thế nào sẽ được gọi là Tăng đoàn? Tăng đoàn không nhất định là người xuất gia! Mọi người học Phật nhất định phải hiểu rõ điều này. Từ bốn người trở lên, sống cùng một chỗ, đều tu Lục Hòa Kính thì gọi là Tăng đoàn, hay Hòa Hợp Chúng. “Chúng” (眾) là từ bốn người trở lên, người Trung Quốc gọi ba người là “chúng”, nhưng trong Phật pháp, bốn người gọi là “chúng”. Bốn người ấy nếu là gia đình của quý vị, gia đình quý vị có bốn người, trong gia đình tu Lục Hòa Kính thì gia đình quý vị là Tăng Đoàn. Tăng Đoàn sanh ra hiệu quả gì? Thập phương chư Phật hộ niệm, hết thảy long thiên thiện thần ủng hộ. Nơi nào có đoàn thể này, nơi ấy không có tai nạn, thật đấy, chẳng giả đâu! Do vậy, “Tăng” không phải chỉ riêng người xuất gia! Chư vị phải biết: Xuất gia và tại gia đều như nhau, bốn người cùng tu hành một chỗ [là Tăng đoàn]. Lục Hòa Kính là gì? Chúng ta cũng treo những điều này phía ngoài lầu mười, quý vị vào đó sẽ thấy: “Kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân”, …
Để lại một bình luận