Pháp thoại Tiền nhiều để làm gì? được Thầy Thích Thiện Tuệ thuyết giảng tại chùa Linh Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, ngày 10/03/2019
Ai cũng mong muốn có nhiều tiền, nhưng có bao giờ bạn từng nghĩ khi có tiền rồi thì nên sử dụng như thế nào cho đúng và có lợi ích về sau?
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến. Sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika:
Này gia chủ, có năm lý do để gây dựng tài sản. Thế nào là năm?
– Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn. Thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản.
– Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gây dựng tài sản.
– Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. Các tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.
– Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.
– Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. Vị ấy tổ chức cúng dường các vị Sa Môn, Bà La Môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báu vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.
Đó là năm lý do bạn nên gây dựng tài sản.
Như vậy, làm giàu theo lời Đức Phật dạy, không chỉ giúp cho mình mà còn giúp cho muôn người. Làm giàu không chỉ đem lại tiền bạc, vật chất, của cải cho bản thân và xã hội. Làm giàu có thể tạo ra giá trị tinh thần. Khi ta kiếm tiền chân chính mà làm được nhà, tậu được xe, mọi người xung quanh hoan hỷ cùng ta. Một anh giám đốc tài giỏi có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Lại cho những người ấy được hưởng chế độ lao động đúng với sự đóng góp của người ấy. Như thế, chẳng những anh giám đốc ấy đã phát triển vững mạnh cho khối tài sản của mình. Anh còn giúp nhiều người gây dựng tài sản của họ, làm giàu cho chính họ.
Muốn giúp người nghèo, ta phải có tiền. Muốn hoằng pháp hay chia sẻ giáo lý phật pháp, ta phải có sự hiểu biết và huân tập. Ta chỉ có thể cho đi những gì bản thân ta có. Niềm vui nơi tinh thần cũng vậy. Hãy biết tạo hạnh phúc cho chính mình rồi mới ban vui cho người khác được.
Xem thêm bài giảng: Bí quyết trở nên giàu có do thầy Thích Huyền Diệu chia sẻ với các doanh nhân Việt Nam
Phật tử, lương y PHAN VĂN SANG viết
Tiền nhiều để làm gì ?
Một câu hỏi thú vị của một doanh nhân tầm cỡ, một câu hỏi mang tính thời sự, để rồi thời gian qua mọi người khắp nơi xôn xao bàn cãi với nhau trên mạng xã hội, trên những bàn tiệc, những buổi sáng cùng bạn bè bên tách cà phê…
Tiền nhiều để làm gì ? Làm gì là quyền của mọi người, thậm chí anh có thể đem đi đốt, đốt trong các quán nhậu, đốt trong các điểm casino, đốt trong……
Làm gì thì làm nhưng…”làm gì cũng nên nghĩ đến hậu quả của nó!”
Xưa: Hắc, Bạch Công tử thách nhau đốt tiền luộc trứng để rồi tội cho đời nay con cháu họ phải sống mưu sinh vất vả mà báo chí đã có những bài phóng sự từ mấy năm qua.
Tiền nhiều để làm gì ? Khi ngoài kia biết bao nhiêu người sống vô gia cư, biết bao nhiêu người bịnh đau không tiền chạy chữa !
Tiền nhiều để làm gì ? Khi những nhà dưỡng lão, những trại nuôi trẻ mồ côi ở những vùng xa xôi héo lánh, thiếu thốn, khó khăn mà ít người lui tới.
Tiền nhiều để làm gì ? Với một khoản tiền to lớn trong ngân hàng khi biết mình sắp chết bèn làm di chúc để lại cho thú cưng của mình là con chó, con mèo vì cuối đời mà không con cháu, không một người thân, báo chí nước ngoài vẫn thường đưa tin như thế.
Phước báo lắm mới có được tiền nhiều. Nhưng tiền nhiều đôi khi cũng là cái tội, tội là bỡi không biết dùng đồng tiền vào đúng cách.
Trước khi khai Kinh Pháp Hoa (妙法蓮华經) quý vị đã từng đọc câu: “Tất cả các Pháp đều là Phật Pháp mà con không rõ lại theo theo dòng vô minh …”
Bỡi tiền bạc nếu biết dùng nó, là Pháp Phật, nếu dùng trong tội ác tức là theo dòng vô minh.
Nước Ấn Độ thời Đức Phật, có ông Tu Đạt Đa, người ta còn gọi ông với cái tên thân thiện là “Cấp Cô Độc”, bỡi gặp ai sống cảnh đói nghèo cô độc ông đều hoan hỷ cấp dưỡng nuôi nấng.
Đến khi lần đầu gặp và nghe một thời thuyết Pháp của Đức Phật cùng với 1.250 vị Tỳ Kheo sống đời khổ hạnh dưới những tán cây trong rừng, ông liền giác ngộ, phát tâm chở hàng chục xe vàng để đổi lấy mấy mẫu vườn của ông Kỳ Đà lập ngay Tịnh Xá để cúng dường cho Đức Phật và Tăng chúng trú nắng trú mưa tu học.
Trải qua gần 3000 năm lịch sử Phật giáo, những tịnh xá dành cho Tăng chúng tu học khắp nơi nổi lên cũng từ những gia đình Phật tử sẵn có hoặc mua đất hiến cúng.
Giàu như Trưởng giả Tu Đạt Đa (Cấp Cô Độc) là một bậc thiện tri thức (善知識) biết phát tâm cúng dường để hộ trì Chánh Pháp (護持正法).
Vậy còn những người nghèo thì sao ?
Chuyện xưa kể rằng: có cô gái ăn mày xin được 5 xu bèn phát tâm mua bát muối cúng dường trăm vị Tăng, Thiền sư trụ trì chùa cùng đại chúng phải mặc y áo chỉnh tề ra tận ngõ đón chào, nhờ phước báo đó về sau cô được vua chọn làm hoàng hậu.
Tôi đã có dịp đến thăm ngôi chùa Thiên Mụ, chiêm bái quả chuông cổ ( đại hồng chung) to lớn.
Tiếng chuông chùa Thiên Mụ có một sự tích linh thiêng nên còn gọi là chùa Linh Mụ ( Mụ là từ tôn xưng cho những Phụ nữ lớn tuổi ở Huế ).
Xưa khi chùa loan báo, phát động bá tánh Phật tử hùn tiền để đúc quả chuông, thì những chức sắc giàu có trong thôn làng góp tiền, vàng để chuẩn bị cho ngày làm lễ rót đồng.
Bỗng xuất hiện bà lão ăn mày rách rưới, khúm núm, trịnh trọng vào chùa xin góp một đồng xu, giữa đám đông khiến ai nấy trố mắt nhìn bà lão, nhìn đồng xu ten mà phá lên cười khinh rẻ, một người cầm đồng xu bà lão giơ cao nói cười đùa giỡn rồi bất ngờ vứt tũm xuống giòng sông Hương trước sự bàng hoàng ngơ ngác của bà lão.
Khi quả chuông đúc xong, buổi lễ khai chuông đã đến, vị trụ trì cầm chày đánh 3 hồi mà ôi thôi, đại hồng chung to lớn thế kia sao tiếng kêu cạch cạch như đánh vào khối đá vậy ?
Cái lạ hơn nữa là giữa thân quả chuông lại lõm sâu bằng đồng xu của bà lão.
Ai nấy đều bàng hoàng sợ hãi, cùng bàn nhau tỏa ra đi tìm thỉnh bà lão về chùa và xúm nhau lạy bà xin sám hối, đồng thời chia nhau lặn xuống mé sông Hương trước chùa tìm lại đồng xu.
May mắn đồng xu tìm lại được, họ trịnh trọng đặt trên chiếc khay lót nhung đỏ thắm bày trước ngôi Tam Bảo đồng thanh sám hối và khấn nguyện.
Lần thứ 2 quả chuông được nấu lại cùng với đồng xu ấy, và đúc lại thành công hoàn hảo, từ đó tiếng chuông đã được ngân xa hàng chục cây số, vượt dòng sông Hương vang cả thành phố Huế, trong những đêm 5 canh thanh vắng, nên mới có câu ca dao:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên mụ, canh gà Thọ Xương
Tiếng chuông vang vọng cả canh 5, ngoài thì xen lẫn tiếng gà gáy báo hiệu trời sắp sáng nơi làng Thọ Xương; trong chùa thì đại chúng đã đến giờ thức dậy chuẩn bị vào buổi công phu.
Cô gái ăn mày mà còn biết phát tâm cúng dường bát muối cho Tăng chúng, cảm đến vị Thiền sư phải y áo ra cổng đón chào.
Bà lão nghèo còn biết phát tâm góp đồng xu lẻ để đúc quả chuông chùa, tấm lòng thành ấy chiêu cảm đến Phật Trời nên khiến cho tiếng chuông câm khi con người với con người nhau mà đối xử tệ.
Tiền nhiều đôi lúc cũng là mối họa, bỡi tiền nhiều tạo cho gia đình những mối bất hòa, vợ chồng xa cách, anh em chia lìa …
Quy luật xưa nay: 成Thành, 住Trụ, 壞Hoại, 空Không. Nên thế giới này có gì là bền chắc, vạn vật vô thường, mạng người ngắn ngủi, giàu sang cũng chỉ là của phù du, không rồi có, có đó rồi lại không. Trăm năm ai bảo là dài, chỉ là giấc mộng Nam Kha, nhắm mắt xuôi tay rồi thì cha mẹ , anh em, vợ chồng, con cháu cũng đường ai nấy đi muôn kiếp khó gặp, có gì bền lâu để mà phải lao tâm khổ trí, để làm ra và giữ nhiều tiền của ?
Vậy tiền nhiều để làm gì mà không biết phát tâm đem lại sự lợi ích cho chúng sinh, bỡi phụng sự chúng sanh tức là cúng dường mười phương chư Phật.
Tiền nhiều để làm gì sao không biết hộ trì Chánh Pháp (護持正法)
Hộ trì chánh Pháp đây không phải xây chùa to Phật lớn chỉ để làm nơi du lịch tâm linh, thu tiền bán vé.
Mà hộ trì Chánh Pháp đây là để Chánh Pháp mãi trường tồn (正法 長存) chúng sinh an lạc, để trên thế giới này con người sẽ giảm đi cái ác, tăng thêm cái Thiện, sẽ giúp chúng sinh cùng nhau thoát khỏi luân hồi sinh tử, để không còn phải tái sanh lại cõi Diêm phù Đề ở thế giới Ta Bà này làm con người bần cùng, khốn khổ, vô minh tạo nhiều nghiệp bất thiện rồi rơi vào chốn địa ngục, hoặc làm các loài súc sinh mang lông đội sừng …mà trả quả báo !
Bùi Vũ Long viết
NAM MÔ THẬP PHƯƠNG THƯỜNG TRÚ TAM BẢO
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.