Tình thương yêu rộng lớn hay là tâm từ, là thứ tình cảm thuộc cấp độ cao hơn so với những tình cảm ở trên. Tình thương yêu vô bờ bến này là đức hạnh cao quý mà những bậc giác ngộ đã thể hiện. Chẳng hạn như Đức Phật Thích Ca, Ngài đã quyết chí từ bỏ ngôi vua, từ giã gia đình và gạt bỏ những thú vui thường tình để lên đường tìm chân lý nhằm cứu chúng sanh thoát khỏi khổ đau. Để đạt được sự giác ngộ, Ngài đã phải chiến đấu với vô số nội ma ngoại chướng, phải vật lộn với muôn ngàn khó khăn, gian khổ. Nếu là một chúng sanh bình thường thì có lẽ đã bị quỵ ngã, nhưng Đức Phật thì không. Chính vì lẽ đó mà Đức Phật được tôn xưng là bậc Đại từ bi. Tình thương yêu bao la của Đức Phật không chỉ dành cho loài người mà còn trải rộng đến muôn loài chúng sanh. Đấy không phải là một thứ xúc cảm hay là tình thương vị kỷ, mà là tình thương không biên giới, không phân biệt. Không giống với những thứ tình cảm khác, tình thương rộng lớn này sẽ không bao giờ bị chấm dứt bởi nỗi thất vọng hay là sự chán ngán, vì nó không hề mong cầu sự đền đáp. Nó làm cho con người nhiều niềm hạnh phúc hơn và hài lòng hơn. Người nào tu tập tâm từ bi cũng sẽ thực tập hỷ và xả, và họ sẽ đạt đến trạng thái siêu việt.
Trong sách Con đường cổ xưa của Đức Phật, ngài Piyadassi cho rằng: Tình thương yêu là sức mạnh tích cực. Mỗi một hành động của người có tình thương yêu là hành động với tâm vô nhiễm nhằm mục đích giúp đỡ, hỗ trợ, động viên để làm cho cuộc sống của mọi người dễ chịu hơn, bình lặng hơn và làm chuyển hóa những nỗi lo âu đang xâm lấn tâm hồn họ và có thể tận hưởng niềm hạnh phúc miên viễn.
Cách thức để nuôi dưỡng tình thương yêu, để tình thương yêu được lớn dần lên là thông qua việc tư duy sâu sắc về những điều xấu xa của sự ghen ghét, những ích lợi của sự không ghen ghét và thông qua sự tư duy về thực tại, về nghiệp. Quả thực không ai ưa thích sự căm hờn. Sự căm hờn là một hình thức xấu của tình cảm, nó làm cho chúng ta càng ngày càng lún sâu vào nơi tăm tối, làm chúng ta thiếu đi sự sáng suốt. Sự căm hờn trói buộc con người, thương yêu làm cho con người được thanh thản. Căm hờn đưa đến dằn vặt, thương yêu đem lại bình yên. Căm hờn làm mất bình tĩnh, thương yêu làm cho con người được bình tĩnh. Căm hờn dẫn đến chia rẽ, thương yêu đem lại sự hòa hợp. Căm hờn là thô bạo, thương yêu là dịu dàng. Căm hờn là chống đối, thương yêu thì giúp đỡ. Lòng căm hờn có những ảnh hưởng xấu, còn tình thương yêu đem đến nhiều lợi ích như thế, cho nên chúng ta hãy cố gắng nuôi dưỡng cho tình thương yêu trong ta thêm lớn mạnh.
Trong kinh Từ Bi, Đức Phật đã giải thích bản chất của tình thương yêu trong đạo Phật là “Như người mẹ bảo vệ đứa con duy nhất của mình trong lúc nguy kịch nhất của cuộc đời. Tuy nhiên, hãy để cho cậu ta tu tập tâm thương yêu vô bờ bến đối với tất cả chúng sanh, hãy để những ý tưởng của tình thương yêu không biên giới nơi cậu ta được tỏa khắp cả thế giới, phía trên, phía dưới, và cả bốn phương, không một chút ngăn ngại, vắng bặt sự căm hờn và tuyệt nhiên không có sự thù địch”.
Pháp thoại Tình thương rộng lớn được Thầy Thích Pháp Hòa thuyết giảng tại Tv. Đại Bi, Garden Grove, ngày 24.2.2020
Bùi Vũ Long viết
NAM MÔ THẬP PHƯƠNG THƯỜNG TRỤ TAM BẢO
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.