Trích đoạn số 4 trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa: Trước tiên phải học cách nghe do Pháp Sư Tịnh Không thuyết giảng
“Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (tâm này là Phật, tâm này làm Phật): Đức Thế Tôn đã nói câu này trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Đối với hiện thời, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta gặp nhiều kẻ chẳng học Phật hiểu lầm Phật, có thể dùng điều này để giải thích cho kẻ ấy. Phật là gì? Phật là chân tâm của quý vị. Ma là gì? Ma là vọng tâm. Trong tám tướng thành đạo của Tiểu Thừa có hàng ma, Đại Thừa không có. Đại Thừa biết Phật và ma là một, chẳng hai. Giác ngộ, ma bèn thành Phật; mê rồi, Phật biến thành ma, chuyện là như vậy đó, thảy đều là chính mình. Nói cách khác, mê là ma, giác là Phật. Tâm thì sao? Tâm không có giác hay mê, giác hay mê là vọng tâm, chân tâm chẳng có giác hay mê. Vì vậy, đã giác ngộ, mà quý vị còn ý niệm giác ngộ, tức là quý vị vẫn chưa giác ngộ, vẫn rớt trong hai ba (tam tâm, nhị ý). Hai ba là bất giác; [nhận thấy] mê và giác đối lập, làm gì đi nữa thì vẫn là hai thứ! Câu cuối cùng nói rất hay: “Bất khả tư nghị” (Chẳng thể nghĩ bàn). Chuyện này quý vị chẳng thể nghĩ nổi. Hễ vừa nghĩ liền trật, vừa nghĩ tới liền mê. Quý vị chẳng thể nói được, hễ nói thì cũng mê rồi! Thốt không nên lời! Nói không nên lời, cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật nói suốt bốn mươi chín năm, tuy nói suốt bốn mươi chín năm, [nhưng đúng như] đức Phật đã nói rất hay: “Nói mà chẳng nói, chẳng nói mà nói”. Chúng ta nghe lời này càng nghe càng hồ đồ, lời Ngài nói là thật. Ngài nói lời giả, chúng ta nghe hiểu rõ lắm, chẳng có vấn đề gì. Ngài nói lời thật, càng nghe càng hồ đồ! Chúng ta phải biết dụng tâm để hiểu. Do vậy, đức Phật mới bảo chúng ta: Quý vị phải biết nghe. “Biết nghe” là như Mã Minh Bồ Tát đã dạy trong Khởi Tín Luận: “Ly ngôn thuyết tướng”, [nghĩa là] quý vị nghe, nhưng đừng chấp trước tướng nói năng. Nghe nhưng chẳng chấp trước, chẳng phân biệt sẽ là đúng. Nói cách khác, thật sự có thể chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, ai nghe như vậy? Phật nghe như vậy. Có khởi tâm, động niệm, nhưng chẳng có phân biệt, chấp trước, ai nghe như thế? Bồ Tát nghe như thế. Có khởi tâm, động niệm, vẫn còn phân biệt, nhưng không chấp trước, đó là cái nghe của A La Hán. Nếu khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, thảy đều trọn đủ, đó là cái nghe của phàm phu. Quý vị thấy đó: Đều là nghe, nhưng khác nhau, cảnh giới lãnh hội khác nhau.
Để lại một bình luận