Trong cuộc sống thường thường rất khó tránh khỏi nghịch cảnh, và những nghịch cảnh ấy lắm lúc làm cho người ta rơi vào “cảnh ưu phiền”. Kỳ thực, có ưu phiền thì mới có hạnh phúc, hạnh phúc và ưu phiền luôn tồn tại song song. Do vậy, khi lâm vào nghịch cảnh, nếu bạn đã thông suốt, thì sự ưu phiền đó cũng nhanh chóng qua đi. Có khi nghịch cảnh là một cơ hội tốt để tạo nên sự thay đổi, cũng là thời khắc tốt để ta “thay da đổi thịt”. Một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ không ưu phiền là điều mà ai cũng mong muốn. Để trút bỏ ưu phiền thực ra không có gì là cao xa cả, nó hoàn toàn nằm ở trong tầm tay của chúng ta.
Xưa kia có một bà cụ thường hay ủ rũ khi nghĩ đến 2 người con ở xa, trời mưa thì bà nghĩ đến người con bán dép rơm bị ế ẩm vì không ai mua dép rơm trời mưa; trời nắng thì bà lại nghĩ tới đứa con bán dù vì ai lại mua dù mùa nắng.
Hàng xóm thấy vậy xúm vào khuyên bà hãy nghĩ ngược lại, trời nắng thì nghĩ tới người con bán dép rơm được đắt hàng, còn trời mưa thì nghĩ tới đứa con bán dù không còn hàng để bán. Bà cụ nghe theo và từ đó sống thật vui vẻ.
Bạn biết không, đời sống vui hay buồn nhiều khi không phải do những việc bên ngoài, mà lại tuỳ thuộc vào suy nghĩ và cách sống của chúng ta.
Đừng thăm dò thế giới, hãy thăm dò chính bản thân mình. Bởi vì khi thăm dò thế giới, bạn sở hữu được nhiều thứ, nhưng bạn không làm chủ được nó. Khi chúng ta thăm dò chính mình, ta có thể chẳng sở hữu gì nhiều nhưng điều chắc chắn ta sẽ làm chủ thế giới của riêng mình. Trở thành ông chủ của bản thân mình tốt hơn là ông chủ của cả thế giới.
Học cách buông bỏ nhiều hơn, tiền tài lợi lộc đều là vật ngoài thân, đừng vì nó mà bán mạng. Hạnh phúc không phải ở chỗ có nhiều tiền tài hay không mà chính là tâm bạn có thể không bị ràng buộc bởi những thứ của người thường hay không.
Nếu như trong cuộc sống, người nào lấy tiền làm trung tâm thì người đó sẽ sống rất khổ.
Nếu như trong cuộc sống, người nào lấy con cái làm trung tâm thì người đó sẽ sống rất mệt mỏi.
Nếu như trong cuộc sống, người nào lấy tình yêu làm trung tâm thì người đó sẽ sống rất đau thương.
Nếu như trong cuộc sống, người nào lấy ganh đua, so sánh làm trung tâm thì người đó sẽ sống rất buồn khổ.
Nếu như trong cuộc sống, người nào lấy tha thứ làm trung tâm thì người đó sẽ sống rất hạnh phúc.
Nếu như trong cuộc sống, người nào lấy biết đủ làm trung tâm thì người đó sẽ sống rất khoái hoạt vui vẻ.
Nếu như trong cuộc sống, người nào lấy biết ơn làm trung tâm thì người đó sẽ sống vô cùng lương thiện.
Từ những kinh nghiệm quý báu của tiền nhân, hãy biết học hỏi, đối chiếu và thực hành thì có thể đạt được những kết quả tốt đẹp.
1. Làm người: Đối với người trên mà cung kính, đối với người bên dưới không cao ngạo, ấy là lễ.
2. Làm việc: Đối với việc lớn mà không hồ đồ, việc nhỏ mà không so đo thì là trí tuệ.
3. Đối với lợi: Nếu như có thể cầm được 6 phần nhưng chỉ lấy 4 phần thì ấy là nghĩa.
4. Đối với luật: Giữ mình như hoa sen hương thơm thanh khiết thì ấy là liêm.
5. Đối với người: Trước sau như một, chân thành đối đãi thì ấy là tín.
6. Tu tâm: Kính trời, yêu người thì ấy là nhân (nhân từ, nhân ái).
7. Lúc không có tiền: Nếu đem siêng năng cần mẫn cho đi thì tiền ắt sẽ đến. Đây được gọi là “ông trời ban thưởng cho người cần cù”.
8. Lúc có tiền: Nếu có thể đem tiền cho đi thì người sẽ đến. Đây được gọi là “tài tán nhân tụ”.
9. Lúc có người ở bên: Đem tình yêu thương cho đi thì sự nghiệp sẽ đến. Đây được gọi là “bác ái lĩnh chúng”.
10. Khi sự nghiệp thành công: Nếu đem trí tuệ cho đi thì vui mừng sẽ đến. Đây được gọi là “đức hành thiên hạ”.
Không cho đi thì không nhận được, không mất thì không được. Bởi vì trái đất là hình tròn cho nên đối xử với người khác như thế nào thì người khác cũng sẽ đối xử với mình như thế ấy.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.