Chủ đề Phật Pháp: Tu hành cần phải giác ngộ chân tâm được Thầy Thích Phước Tiến thuyết giảng tại chùa Giác Ngộ, quận 10. Tp. Hồ Chí Minh.
Chân là chân thật, tâm là cái biết của mình. Chân tâm là sống trở về Bản tâm, Bản tánh của mình, còn phân biệt khen chê, phải quấy, tốt xấu là đi trong trần tục. Chân tâm là thường biết rõ ràng mà không có niệm, không dấy lên khen chê tốt xấu… do đó cả ngày sống trong Chân tâm. Nếu cứ nhìn cái này, cái nọ sanh ra khen chê thì cả ngày sống trong thói quen của thế gian, tạo nghiệp trầm luân sanh tử. Người biết tu và người không biết tu đồng thấy một sự vật mà hai bên khác nhau. Khác nhau chỗ nào? Chỗ thế gian gọi khôn với dại. Người không phân biệt bị chê dại, người phân biệt thế này thế nọ, hay dở tốt xấu tưởng là khôn. Nhưng cái khôn đó là khôn trầm luân, còn cái khờ này là khờ giải thoát, vì vậy các Thiền sư đâu có lanh lợi.
Thông qua công phu của thiền định, Chân như (tathata) Phật tính (buddha-dhatu) vốn có trong mỗi con người, sẽ hiển lộ. Đây là con đường tu trì xưa nay mà các tông phái lớn Phật giáo đều thực hành.
Thiền (thiền na) là tĩnh lự (tịnh tâm suy xét/gột sạch tất cả tạp niệm). Thiền, có mặt khắp nơi, xưa nay hệt như nhau. Thiền sư Thanh Nguyên nhà Đường nói: Thiền chính là tâm của chúng ta. Cái tâm này là chỉ cho “chân tâm” – trái tim chân thật trú ẩn dưới đáy sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Chân tâm này, siêu vượt hết thảy sự tồn tại hữu hình, lại lộ bày trong vũ trụ vạn hữu, cho dù là cuộc sống hàng ngày trông giống như rất đỗi bình thường, nhưng khắp nơi tràn ngập thiền cơ. Vì thế, Lục tổ Đại sư Huệ Năng nói: “Đạo do tâm ngộ, khởi tại tọa dã?” (đạo được bừng tỉnh từ tâm, há chỉ ở tư thế ngồi?) chính là nói rõ rằng tham thiền cầu đạo, quan trọng là ở chỗ giác ngộ chân tâm bản tính, nhưng hoàn toàn không phủ nhận vai trò của ngồi thiền (tĩnh tọa). Thế nên, đối với kẻ sơ học, tọa thiền vẫn là phương pháp nhập môn quan trọng lúc tham thiền. Thiên Thai tiểu chỉ quán cho biết, người mới bắt đầu học đạo thì phải ngồi thiền, phải điều hòa năm việc: điều hòa việc ăn uống (điều thực), điều hòa việc ngủ nghỉ (điều thụy), điều hòa thân thể (điều thân), điều hòa hơi thở (điều tức), và điều hòa tâm (điều tâm).
Bùi Vũ Long viết
NAM MÔ THẬP PHƯƠNG THƯỜNG TRÚ TAM BẢO
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.