Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ A DỤC VƯƠNG KHẮC VĂN trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ A DỤC VƯƠNG KHẮC VĂN theo từ điển Phật học như sau:
A DỤC VƯƠNG KHẮC VĂN
阿 育 王 刻 文
*Cg: A dục vương pháp sắc.
Những chỉ dụ mang nội dung giáo pháp do vua A-dục thuộc triều đại Khổng Tước, cổ Ấn Độ cho khắc trên vách núi hoặc trụ đá.
Niên đại của những chỉ dụ này vào khoảng năm 250 tr.TL. Hiện nay phát hiện có 5 loại: vách đá lớn, 7 vách đá nhỏ, 10 trụ đá, bài minh khắc trong hang đá và bảng đá. Chỉ có chỉ dụ khắc trên vách đá nhỏ thì có tên vua A Dục, còn những loại khác đều khắc tên vua Thiên Ái Hỷ Kiến (S: Devanampriya priyadrasi; P: Dava-namprya-piyadassin).
Chỉ dụ này có khắp nơi trên đất Ấn Độ, nhưng về sau chúng bị mai một, người đời không còn ai biết đến nữa. Mãi đến năm 1356, vua Hồi giáo là Firoz Shàl phát hiện nhiều trụ đá nơi cách Dehli hơn 160 km, cứ cách nhau hơn 60km lại có một trụ đá. Tất cả đều được dời về Dehli. Đến 100 năm sau, lúc đầu được sự chú ý của Thượng úy Hoare thuộc Toàn quyền Liên Hiệp Anh ở Đông Ấn. Từ đó ông lại phát hiện tiếp tục nhiều trụ đá khác ở Ấn Độ, Népal, Afghanistan; sau đó được Prinsep dốc sức nghiên cứu, mãi đến năm 1837 mới xác nhận được đó là chỉ dụ của vua A Dục.
Những chỉ dụ của vua A Dục phù hợp với những điều ghi trong Đại sử và Đảo sử của Tích Lan lưu truyền, nhờ dó có thể biết được công việc hoằng pháp, nó phản ánh được quan điểm về chính trị, đạo đức, Phật giáo, chế độ quản lý hành chính của vua A Dục. Các chỉ dụ khắc trên vách núi đá hoặc trên các tảng đá lớn gồm có 14 chương cáo văn và 2 chương riêng để thế vào phần bị thiếu.
Văn tự dùng để khắc là loại chữ cổ thể Kharosthi hoặc Prahmì. Khảo cứu phần ghi chép này có thể biết những chỉ dụ trên được khắc vào khoảng 12-14 năm sau khi vua A Dục lên ngôi.
Nói chung, đại ý của những chỉ dụ này là cấm sát sinh, đẩy mạnh việc xây bệnh viện, đào giếng, sửa đổi để lập lại chế độ hội nghị, phân phát thuốc men và động viên trồng thuốc. Cứ 5 năm một lần nhà vua tổ chức đại hội Vô Già (đại hội bố thí không phân biệt giai cấp sang hèn giàu nghèo), hưng khởi chính pháp làm lợi ích chúng sanh. Trong hội này các quan bảo đảm chắc chắn việc hưng long giáo pháp và đem lại hạnh phúc an hòa cho dân chúng, tôn trọng tự do tín ngưỡng, phải khéo léo hòa giải sự kình chống giữa giáo đồ của các tôn giáo, cấm những nghi lễ giả dối, trái đạo đức, phải cử hành nghi thức chánh pháp, tạo phúc lạc cho đời sau, phải thoát ly các tội nghiệp cho đời trước. Cáo văn này trình bày sự hối hận triệt để của vua A Dục về nỗi bi thảm do việc chinh phục nước Yết-lăng-ca mang đến; Do đó, vua qui y Phật pháp và nhiệt tâm hoằng dương chánh pháp, tin tưởng rằng chinh phục bằng giáo pháp là cách chinh phục tốt nhất.
Trên mỗi vách đá nhỏ đều có khắc 1 hoặc 2 chương cáo văn, khác với 14 chương đã nói trước. Đại ý các chỉ dụ này là đối với bên ngoài thì mở rộng khu vực hoằng truyền đại pháp, đối với bên trong thì nêu cao sự hiếu thuận chân thật. Ngoài ra còn có một chương cáo văn khắc lời dạy bảo Tăng chúng nước Ma kiệt đà phải duy trì đại pháp lâu dài.
Trong 10 trụ đá, 6 trụ có khắc 6 chương cáo văn giống nhau. Bốn trụ còn lại, mỗi trụ đều có khắc 1 chương khác nhau. Trên đầu 4 trụ đá này đều có tảng đá hình tròn giống như cái linh, trên có đặt tượng đá sư tử, đường viền chung quanh có khắc các hình ngỗng, hoa sen , trụ nhỏ cao khoảng 8m, trụ lớn cao hơn 10m.
Theo sự khảo cứu chi tiết về các chỉ dụ này thì chúng được vua A-dục tạo ra vào khoảng 26-29 năm sau khi lên ngôi. Nội dung là cấm sát sinh, các quan phải lấy lòng nhân từ làm chính để thưởng phạt không sai; khuyến khích, giúp đỡ dân chúng dùng chính nghĩa để xa lìa ác nghiệp; vua đối đãi với thần dân không nên phân chủng tộc, giai cấp, tín ngưỡng, chỉ nhìn họ bằng đôi mắt nhân từ thương yêu. Còn chương Biệt văn thì khắc nhân duyên vương phi bố thí rừng cây v.v… hoặc ghi sự tích về việc vua tham bái các Phật tích và kiến lập trụ đá.
Ở Barabar cách Buddha-gaya hơn 20 km về hướng Bắc có 4 hang đá. Chỉ dụ khắc trên 3 hang đá trong số ấy có ghi sự tích của động đá và hạnh thí xả. Bảng đá mới phát hiện gần đây vốn là vách đá ngôi nhà của một nông dân ở gần Orissa. Trong các chỉ dụ nói trên, điểm đặc biệt đáng chú ý là điều thứ 13 trong chỉ dụ khắc trên vách đá, nội dung nói về sự giao thiệp của vua A-dục với nước ngoài. Nhân vật xuất hiện trong văn là vua Hi Lạp vào khoảng từ năm 260-258 tr.TL. Nhờ đó người ta có thể đoán biết niên đại của vua A-dục ra đời và những khu vực truyền bá Phật giáo.
Theo: Ấn Độ Tôn Giáo Sử Khảo; Phật Điển Kiết Tập, A-dục Vương Sự Tích; É.Senart: Incriptions de Piyadasi; E.Hultzsch: Corpus Inscriptionum Indicarum; V.A.Smith: Asoka.
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với A DỤC VƯƠNG KHẮC VĂN tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận