Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ CĂN trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ CĂN theo từ điển Phật học như sau:
CĂN
CĂN; S. Indriya
Nghĩa đen là rễ cây. Tên khoa học là giác quan. Nghĩa bóng là phát sinh và tăng trưởng [tr.114] thêm. Con mắt, tai, v.v… sở dĩ được gọi là nhãn căn, nhĩ căn v.v…, là vì khi bắt gặp đối tượng là hình sắc, âm thanh thì có tác dụng phát sinh ra sự hay biết của mắt (nhãn thức), sự hay biết của tai (nhĩ thức)… và làm cho sự hay biết đó được tăng trưởng thêm, tỏ rõ hơn.
Sách khoa học thường chỉ nói tới năm giác quan, tức là năm căn. Nhưng sách Phật lập thêm căn thứ sáu, gọi là ý căn là nơi nương tựa của ý thức (Ph. Conscient). Theo môn Duy Thức học, ý căn là thức thứ bảy (Ph. Septiéme conscience). Thức này cũng có tên là Mạt Na (x. Mạt Na). Sở dĩ người mê chấp có cái ta riêng biệt là vì có thức Mạt Na này. Vì căn có nghĩa là gốc, nên nó được dùng trong nhiều hợp từ Phật giáo như:
Tín căn: Gốc tin. Lòng tin được gọi là căn, vì đó là gốc phát sinh ra điều thiện, điều lành. Người sẵn có đức tin lại có duyên lành nghe chánh pháp, lại càng thêm tin tưởng dốc lòng tu học, vun trồng điều lành.
Năm căn: tức là năm giác quan, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Chính nhờ có năm giác quan này tiếp xúc với ngoại cảnh (sắc, thanh, hương v.v…) mà phát sinh ra sự thấy, sự nghe, ngửi, nếm và sự biết v.v…
Nói năm căn còn có nghĩa là tin, cần (siêng năng), niệm (nhớ), định (tập trung tư tưởng), tuệ, như là năm cái gốc phát sinh ra điều thiện điều lành.
Hạ căn, độn căn: chỉ những người vì không tạo ra nghiệp nhân tốt, cho nên hoặc không thích nghe chánh pháp, hoặc có nghe cũng không hiểu, không tin, hay là hiểu sai.
Thượng căn, lợi căn: đối lập với những người hạ căn độn căn là những người thượng căn, lợi căn, tức là những người vun trồng nghiệp nhân tốt nên có trí sáng, thích nghe chánh pháp, hiểu biết đúng đắn, tin và làm theo chánh pháp.
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với CĂN tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận