Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ CHÁNH PHÁP trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ CHÁNH PHÁP theo từ điển Phật học như sau:
CHÁNH PHÁP
Đạo pháp chơn chánh, cao trổi, trong sạch. Chánh pháp có hai phần: lý và thể:
Lý: ý nghĩa không sai chạy, không tà, ngụy, đạo lý từ lúc ban sơ đến lúc cuối cùng đều có tánh cách trong sạch. Vì vậy nên kêu là chánh.
Thể: pháp, tức là nền Pháp bảo ở trong Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Thể của Chánh pháp lại cũng gom vào trong bốn pháp (Tứ pháp) :
Giáo: tiếng nói câu văn của chư Phật, Thánh có tánh cách phá vô minh, trừ phiền não.
Ly: Nghĩa lý trong giáo pháp.
Hạnh:Y theo nghĩa lý trong giáo pháp mà thi hành Giới, Định, Huệ.
Quả: Nhờ thi hành Giới, Định, Huệ mà chứng đắc những quả hữu vi và vô vi. Trong “Câu xá luận” quyển 29 có nói: Về nền Chánh pháp của đức Thế Tôn, có thể có hai thứ: giáo và chứng.
Giáo là giáo pháp trong Kinh có tánh cách ứng đối và điều phục.
Chứng là nhờ tu hành theo giáo pháp của Phật dạy mà chứng quả vị trong Ba thừa (Thinh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ Tát thừa).
Trong “Vô lượng Thọ Kinh” có chép: Trong những vị Bồ Tát sanh qua cõi Phật A Di Đà, những vị nào có biện tài thì thường tuyên thuyết Chánh pháp, tùy thuận trí tuệ, không trái, không thất. Chánh pháp lại có nghĩa: Cái Pháp chơn chánh, tỏ rõ, trong trẻo của mỗi đức Phật vừa thành Đạo và truyền ra. Cái Pháp của mỗi đức Phật trải qua ba thời kỳ: thời kỳ Chánh pháp, thời kỳ Tượng pháp và thời kỳ Mạt pháp.
Thời kỳ Chánh pháp (đạo lý chơn chánh) của đức Phật Thích Ca là 500 năm sau khi ngài tịch. Kế đó là thời kỳ Tượng pháp (đạo lý tương tợ với chánh pháp), 1000 năm. Rồi đến thời kỳ Mạt pháp (đạo lý lúc sau cùng) là 10000 năm.
Trong Luật tạng có ghi mấy lời của đức Phật như vầy: Nền Chánh pháp của ta đáng lẽ trụ thế 1000 năm, hoặc lâu hơn nữa. Nhưng trót vì ta đã cho hàng phụ nữ xuất gia, nên nền Chánh pháp bị giảm bớt, chỉ trụ thế 500 năm mà thôi.
Trong Kinh Luật ghi ba thời kỳ Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp, đặng cho biết rằng: Trong thời kỳ Chánh pháp, dễ tu chứng và rất nhiều người tu chứng, vì nền Chánh pháp đương thạnh hành. Trong thời kỳ Tượng pháp, hơi khó tu chứng và số người tu chứng ít hơn, vì đạo pháp mường tượng với Chánh pháp. Đến thời kỳ Mạt pháp, rất khó tu chứng và rất ít người tu chứng, vì là lúc cuối cùng của nền Đạo.
Nhưng mà, đứng về phương diện Đại Thừa, ta thấy rằng: Lúc nào cũng có Chánh: pháp, đầu ở trong thời kỳ Chánh pháp, Tượng Pháp hay Mạt pháp. Lại nữa, lúc nào cũng có Phật, sức ủng hộ của Phật, tuy là Phật đã thị hiện tịch diệt. Và lúc nào cũng có Tăng bảo, Chơn Tăng, Thánh Tăng. Cho nên người thiện tín nên cố gắng mà tu tập.
Lẽ Như Lai, Chánh pháp và Tăng bảo có giải rõ trong Pháp Hoa Kinh, Niết Bàn Kinh.
Theo từ điển Phật học Hán Việt của Đoàn Trung Còn
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với CHÁNH PHÁP tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận