Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ HÀNH trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ HÀNH theo từ điển Phật học như sau:
HÀNH
HÀNH; P. Sankhara; S. Samskara; A. Act, action, conduct.
Hành là tạo nghiệp. Mọi hành động nơi ý, nơi lời nói hay nơi thân đều gọi là hành. Hành là một trong năm uẩn (x. năm uẩn) nó chỉ tất cả hành tướng tạo nghiệp trong tâm thức chúng sinh. Hành cũng là một mục trong mười hai nhân duyên. Vô minh duyên hành, nghĩa là vì có vô minh, tức si mê, nên mới sinh ra tạo nghiệp (hành).
Hành cũng có nghĩa là đi. Như hành cước, hành hương. Phật tử xuất gia hay tại gia thường có tục lệ đi thăm những nơi thắng tích Phật giáo, những chùa lớn, như các chùa Hương Tích, Bút Tháp, Cổ Lễ ở Việt Nam. Bodhi Gaya, Lumbini, Sanchi v.v… ở Ấn Độ… Họ tin rằng đi hành hương như vậy được phúc đức rất lớn.
“Có người hành cước phương xa,
Gặp sư Tam Hợp là người tiên tri.”
(Truyện Kiều)
HÀNH CHỨNG
Tu hành và chứng ngộ.
HÀNH CÚNG DƯỜNG
Làm việc cúng dường (Tam Bảo)
HÀNH CƯỚC
Đi bộ. Sách Phật thường dùng từ này để nói những người tu hành đi bộ từ chùa này sang chùa khác tụng kinh lễ Phật, tham thiền, hỏi đạo.
HÀNH ĐẠO
Theo phía tay mặt mà đi nhiễu xung quanh tượng Phật hoặc xung quanh một bảo tháp. Cũng có sách gọi là kinh hành. Lại có nghĩa tu hành, thực hành đạo lý.
HÀNH ĐỨC
Công đức của sự tu hành.
HÀNH GIẢ
1. Người tu hành, người hành đạo.
2. Người hầu hạ nơi nhà chùa.
HÀNH GIẢI
Hành là hành động, hành vi. Giải là hiểu biết. Đạo Phật yêu cầu đối với Phật tử hành và giải phải phù hợp nhau, đi đôi với nhau, do đó mà có khái niệm hành giải tương ứng.
HÀNH GIÁO
Dạy giới luật. Phân biệt với hóa giáo là dạy kinh luận.
HÀNH HOA
Tặng hoa, cúng dường hoa, quả.
HÀNH HÓA
Tu sĩ đi nơi này nơi khác để giáo hóa chúng sinh. Cg = du hóa.
HÀNH HƯƠNG
Dâng hương. Đi chiêm bái các thánh tích như chùa Hương, chùa Yên Tử ở trong nước v.v… hay là các thánh tích Phật giáo [tr.276] nổi tiếng ở Ấn Độ và các nước khác.
HÀNH KHẤT
Đi xin ăn. Tu sĩ Phật giáo ở Ấn Độ thời Phật cũng như hiện nay ở các nước theo Phật giáo Nam tông, đều đi xin ăn (hành khất, khất thực) hàng ngày. Đi xin ăn là một trong mười hai hạnh đầu đà (x. Đầu Đà).
HÀNH KHỔ
Hành là tạo tác, biến chuyển. Hết thảy các pháp hữu vi đều thường xuyên biến đổi, không phút nghỉ dừng, yên ổn.
HÀNH QUẢ
Nghiệp và quả. Hành là hành nghiệp.
HÀNH THIỀN
Thực hành phép tu định tâm. Một trong những phép tu thường được dùng nhất trong đạo Phật là Anapanasati, là phép niệm hơi thở vào hơi thở ra, thông qua việc điều hòa hơi thở mà điều tâm, định tâm.
HÀNH THỤ
Hàng cây.
HÀNH TÍN
Hành động và đức tin. Hành động căn cứ ở đức tin.
HÀNH TRẠNG
Tiểu sử vắn tắt, nói lên nếp sống hoạt động ứng xử. Như nói Tuệ Trung Thượng Sĩ hành trạng là tiểu sử của Tuệ Trung Thượng Sĩ (nhà Phật học nổi tiếng đời Trần).
HÀNH TRỤ TỌA NGỌA
Đi, đứng, nằm, ngồi. Gọi cử chỉ của Phật tử xuất gia trong đời sống hàng ngày, như đi, đứng, nằm, ngồi đều đoan trang, bình tĩnh, siêu thoát (Cg = Bốn uy nghi của người xuất gia).
HÀNH TƯỢNG
Rước tượng Phật đi trên đường để cho tín đồ lễ bái. Tục lệ này rất phổ biến ở Tây Tạng.
HÀNH UẨN
Một trong năm uẩn. Chỉ mọi ý chí, ý muốn dẫn tới hành động nơi thân, lời nói, ý nghĩ. Nói chung, tất cả mọi hoạt động tâm thức không thuộc, thọ, tưởng, thức đều là hành uẩn.
HẠNH
1. Nết hạnh: Nếp sống quen thuộc của một người nhất định. Vd, như nói khổ hạnh, nếp sống quen khắc khổ.
2. Đại hạnh: nếp sống lớn lao, vĩ đại. Bồ Tát Phổ Hiền được tôn xưng là Đại hạnh Phổ Hiền (Bồ Tát Phổ Hiền có hạnh nguyện lớn).
3. Đức hạnh: nếp sống đạo đức.
HẠNH GIÁO
Dạy dỗ bằng giới hạnh, làm khuôn phép đạo đức cho học trò.
Còn hóa hành là đem kinh luận diễn giảng cho học trò hiểu đạo lý.
HẠNH NGUYỆN
Hạnh tu và lời nguyện
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với HÀNH tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận