Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ LỤC TẶC trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ LỤC TẶC theo từ điển Phật học như sau:
LỤC TẶC
I. Lục Tặc:
Chỉ cho 6 trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
Sáu trần lấy 6 căn làm môi giới, cướp đoạt tất cả thiện pháp, nên được dụ như giặc ( tặc ).
Theo : Kinh Lăng Nghiêm 4; Kinh Niết Bàn 23 ( bản Bắc ); Kinh Tối Thắng Vương 5.
II. Lục Tặc:
Chỉ cho sự vui thích của 6 căn.
Kinh Tạp A Hàm 43 ( Đại 2, 313 trung ) ghi :
“ Này các ông ! Trong thân các ông luôn có tên giặc theo rình rập, nếu gặp thì phải giết ngay ( …), 6 tên giặc này ( lục tặc ) dụ cho 6 thứ ái hỉ”.
Lục tặc chính là sáu kẻ cướp, bọn cướp có sáu đứa, đây là lời tỷ dụ để gọi ngoại lục nhập tức lục trần: Sắc, thinh , hương, vị, xúc và pháp trần. Vì sáu cảnh ngoài lúc nào cũng luôn rình rập, nếu lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tức nội lục nhập của ta sơ hở thiếu phòng bị nó sẽ nhập vào mà cướp lấy công đức thiện pháp của ta khiến ta phải chịu luận hồi, đau khổ mãi nên gọi chúng là lục tặc.
Sắc tặc: Những màu sắc xanh, vàng, đỏ… cùng những hình tướng xinh đẹp của con người, con vật, loài vật… nếu chúng ta đắm mê vào đó thì sự tu niệm bị đình chỉ, các thiện căn dần dần tổn giảm nên gọi là sắc tặc.
Thinh tặc: Những lời ca tiếng đàn thanh nhã, những lời nói ngọt ngào êm dịu… nó có sức quyến rũ rất mạnh khiến phàm phu rong ruỗi theo bỏ bê tu niệm, thiện pháp dần dần tổn giảm nên gọi là thinh tặc.
Hương tặc: Mùi thơm ngạt ngào của hoa quả, của hương trầm, của phấn son, mùi hương của kẻ nam người nữ… những ai mê đắm vào những thứ hương trần này thì sự tu niệm chẳng nhớ tưởng, các thiện căn do đây mà bị tổn giảm, phải chịu luân hồi khổ đau, nên gọi là hương tặc.
Vị tặc: Vị ngon ngọt của trái cây, vị béo ngọt của thịt cá… nó làm cho kẻ ngu phu đắm trước vào đó nên không thể tỉnh tâm tu niệm các thiện pháp dần dần hao tổn, nên gọi là vị tặc.
Xúc tặc: Cảm thấy khoái lạc trước sự xúc phạm của người khác phái, trước sự mát mẻ, mềm dịu, nồng ấm của những vật xung quanh khiến kẻ phàm mê muội đắm say, không chịu tu niệm thiện pháp nên thiện căn bị tổn giảm, các công đức tu hành tiêu tán nên gọi là xúc tặc.
Pháp tặc: Khi các căn không còn tiếp xúc với các trần, nhưng trong tâm cứ dấy khởi những hình ảnh đã qua, đây gọi là pháp trần. Pháp trần này tuy không có hình tướng, nhưng nó có khả năng quấy nhiễu tâm thức của phàm phu làm cho tâm không được yên mãi xao động khó có thể tu tập thiện pháp và các căn lành cũng tổn giảm dần, nên gọi là pháp tặc.
Muốn tiến tu trên đường giải thoát, hành giả phải nổ lực nhiếp nhục các căn, chớ để lục trần quấy nhiễu phải tự ý thức rằng kẻ cướp chiếm đoạt tài vật của chúng ta thì sự khổ lụy đến với ta chỉ trong một kiếp hiện tại, bọn cướp sáu thằng (lục tặc) mỗi khi xâm nhập vào trong ta cướp mất tất cả những công đức thiện pháp thì sự họa ương khổ lụy này ảnh hưởng đến nhiều kiếp, thế nên chúng ta cần phải thận trọng.
Theo PHDS của Thích Nữ Đức Trí
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với LỤC TẶC tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận