Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ NGŨ NGHỊCH TỘI trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ NGŨ NGHỊCH TỘI theo từ điển Phật học như sau:
NGŨ NGHỊCH TỘI
NGŨ NGHỊCH TỘI
Ngũ nghịch tội là năm tội lỗi bội phản. Thay vì báo ân, trả nghĩa, lại đi làm điều nghịch phản, cho nên thành kẻ có tội nặng.
1. Sát phụ : Tức là giết cha : có cha mới có ta, từ khi sanh ra cha cực khổ bội phần, ta khôn lớn thành người ấy là nhờ công ơn giáo dưỡng của người. Thâm tình của cha đối với ta thật là lớn lao như núi cao vời vợi, thế nên nếu ai giết cha là mang tội phản nghịch bị sa đọa.
2. Sát mẫu : Tức là tội giết mẹ : mẹ ta là suối nguồn tưới mát là chuối, là mía ngọt ngào. Từ khi ta vào thai mẹ, qua nhiều tháng mẹ cưu mang, mệt nhọc, sanh nở đớn đau. Khi ta còn nhỏ mẹ luôn khổ cực la toan, săn sóc bú mớm nuôi dưỡng cho đến ngày trưởng thành, mẹ làm lụng vất vả cũng vì đàn con, do quá lao lực nên đã già trước tuổi, thân gầy còm ốm yếu, tóc xanh thủa nào nay đã điểm màu sương gió. Thế nên nói đến mẹ, là nói đền tình thương con thiêng liêng cao cả, bao la như biển cả đại dương, nếu kẻ nào không cảm nhận tình cảm sâu nặng này lại nhẫn tâm giết mẹ thì muôn kiếp chịu cực hình ở địa ngục.
3. Sát A La Hán : Tức giết bậc đắc quả A La Hán. Bậc A La Hán là bậc Thánh đã chứng đắc quả vị giải thoát, mọi phiền não hoặc nghiệp đều xa lìa, có đủ lòng từ bi và trí huệ lớn, dẫn dắt chúng sanh tu hành thoát luân hồi khổ. Đây là bậc đại ân nhân của muôn loài nếu kẻ nào ngu si giết hại bậc Thánh này thì sẽ bị đọa vào ác đạo.
4. Phá hòa hợp tăng : Tức là quấy phá sự hòa hợp của Tăng. Tăng có hòa hợp tu hành nghiêm trì giới cấm, thì Đạo Phật mới hưng thịnh, chánh pháp của Như Lai mới được lưu truyền qua nhiều thế hệ, khiến ngọn đèn Đạo pháp sáng tỏ mãi qua bao thế kỷ. Chúng sanh nhờ ơn đức đó nương theo chánh pháp hành trì để giải thoát. Nếu ai ác tâm dùng mọi thủ đoạn, thống khổ Tăng chúng, gây chia ly oán thù với nhau khiến đạo pháp suy đồi thì khi thác sẽ rơi vào Địa ngục vô gián chịu nhiều hình phạt đơn đau.
5. Xuất Phật thân huyết : Tức là làm thân Phật ra máu, như đâm, như chém, đánh đập…. ngày nay Phật không còn tại thế, nếu ai có ác tâm phá hủy Chùa chiền đập phá Thánh tượng của Phật và chư Bồ Tát thì đồng với tội làm thân Phật ra máu. Sau khi chết bị đọa Địa ngục nhanh như tên bắn.
Các Kinh nhà Phật thường hay dạy rằng : Kẻ phạm ngũ nghịch tội thì chẳng được sanh về cõi Tịnh Độ của Phật, mãi mãi sa đọa ở Địa ngục, nhưng có khi kẻ phạm tội được vãng sanh, khỏi bị đọa lạc, như Vua A Xà Thế giết cha và ông Đề Bà Đa hại Phật. Ấy nhờ hai duyên cớ :
1. Kẻ phạm tội ngũ nghịch từ trước kia đã có phát tâm Đại Thừa, vì gặp duyên mà tạo tội ngũ nghịch hoặc vì nghiệp chướng đời xưa phải trả, nhưng sau hối ngộ rất thâm trọng, phát tâm cầu ra khỏi cảnh đời ác trược tội lỗi, diệt được tội trọng nên vãng sanh Tịnh Độ.
2. Kẻ phạm tội ngũ nghịch : Trước kia đã từng tu hành, tuy nay lỡ phạm mà rồi ăn năn, quán tưởng đạo lý, thiện căn và quán tưởng sâu xa phước đức của Phật, nên trừ diệt tội trọng, khỏi bị đọa lạc, lại được vãng sanh tiến lên đường lành.
Theo PHDS của Thích Nữ Đức Trí
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với NGŨ NGHỊCH TỘI tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận