Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ NHỊ THỪA SAI BIỆT trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ NHỊ THỪA SAI BIỆT theo từ điển Phật học như sau:
NHỊ THỪA SAI BIỆT
NHỊ THỪA SAI BIỆT
Nhị thừa ở đây nhằm chỉ tiểu thừa và đại thừa. Đại thừa là giáo pháp có công năng đưa hành giả chứng đắc quả Phật, còn Tiểu thừa là giáo pháp có công năng đưa hành giả chứng đắc quả vị A La Hán. Theo “Nhập Đại Thừa Luận” của Ngài Kiến Ý thời Đại thừa và Tiểu thừa có 8 việc khác nhau như sau :
1. Tâm lượng : hành giả Tiểu thừa tâm lượng hẹp hòi chỉ cần sự giải thoát trong đường sanh tử, họ chỉ biết độ cho mình hơn kẻ khác. Hàng Đại thừa tâm lượng rộng lớn, quyết đạt đến lý tưởng tự lợi, lợi tha viên mãn.
2. Căn cơ : Tiểu thừa căn cơ tối chậm chỉ tìm hiểu những tiểu pháp như : Tứ đế, Thập nhị nhân duyên. Đại thừa căn tánh lanh lẹ, không thích tiểu pháp, mà ưa thích thọ trì đại pháp như : ngã pháp giai không, duyên khởi như huyễn.
3. Nhân sanh quan : Tiểu thừa khuynh hướng về nhân sinh quan vô thường khổ não, vì vậy chủ trương phá tan tiểu ngã, mong sớm chứng vào thể tánh vắng lặng và lấy đó làm chỗ giải thoát an vui. Đại thừa cũng bắt đầu từ quan niệm ấy, nhưng lại hiểu rằng các pháp như huyễn, chúng sanh chính là tự tánh đại ngã không cần phải lìa đời xa lánh chúng sanh mà vẫn giải thoát tự tại.
4. Vũ trụ quan : Tiểu thừa đối với vạn hữu thì hạn cuộc trong phạm vi hiện tượng luận sanh diệt, yếu tố để giải thích của họ duy có 75 pháp, sự chứng biết của Tiểu thừa chỉ trong vòng tam thiên đại thiên thế giới, cho nên họ không tin có tha phương tịnh độ. Đại thừa thì ngoài hiện tượng sai biệt còn thuyết Minh Chân Như Bình Đẳng Không Sai Biệt để đạt đến bản thể luận, yếu tố để giải thích của họ gồm 100 pháp. Họ tin rằng ngoài thế giới này có vô số thế giới uế độ và tịnh độ như vi trần, tất cả đều là thể như huyễn của tự tánh thanh tịnh tánh.
5. Quan niệm tam bảo : về Phật bảo hàng Nhị thừa chỉ chấp nhận Phật Thích Ca và chư Phật ở cõi Ta Bà này. Không tin nhận các đấng Như Lai ở tha phương thế giới. Về Pháp bảo họ chỉ tín thuận những Kinh Tiểu Thừa như A Hàm, Pháp Cú…không tin những bộ kinh Đại thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa… về Tăng bảo họ chỉ biết các bậc A La Hán như Xá Lợi Phật, Mục Kiền Liên, không tin các bậc Bồ tát tha phương như ngài Văn Thù, Phổ Hiền…trái lại Đại thừa tin nhận cả tiểu pháp lẫn đại pháp và ngôi Tam bảo ở cõi này cũng như các phương khác.
6. Tu lương tánh : trên phương tiện tu hành, hàng Tiểu thừa thiên về huệ, theo pháp Tứ đế, Thập nhị nhơn duyên…mục đích để phá trừ ngã chấp. Còn Đại thừa thì theo Lục độ vạn hạnh gồm tu phước phá cả ngã chấp lẫn pháp chấp chứng quả Nhị không.
7. Thời gian tánh : Tiểu thừa hàng Thanh văn phải tu từ ba đời đến 60 kiếp mới chứng đắc quả vị A La Hán, còn hàng Duyên giác phải từ bốn đời đến 100 kiếp mới chứng quả Bích Chi Phật. Còn bên Đại thừa phải dùng Ba A-tăng-kỳ kiếp để tu sáu độ và 100 kiếp để tu nhân tướng tốt mới chứng quả Phật.
8. Quả chứng : giải thoát của Tiểu thừa là tiêu cực họ muốn lánh sự khổ não ơ hiện tại mà thể nhập vào cảnh không tịnh, cho nên mục đích chung cuộc của họ là cầu lấy quả A La Hán hay Bích Chi Phật. Giải thoát của Đại thừa là tích cực. Họ hiểu rằng phiền não vốn không và trong chúng ta có đủ đức tướng trí huệ của Như Lai, cùng vô lượng công đức. Vì thế họ lấy địa vị Phật làm lý tưởng chung cuộc. Về chúng sanh Đại thừa quyết độ tất cả đều thành Phật. Về thế giới họ quyết biến cảnh uế ác thành cõi mỹ thiện, cho nên mục đích của Đại thừa gồm trong câu “Trang nghiêm Phật độ, thành tựu chúng sanh” vậy.
Theo PHDS của Ni sư Đức Trí
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với NHỊ THỪA SAI BIỆT tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận