Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ SA MÔN trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ SA MÔN theo từ điển Phật học như sau:
SA MÔN
SA MÔN
Chỉ những tu sĩ Phật giáo, cố gắng, tinh tấn tu học. Vì vậy, ngoại đạo gọi Phật Thích Ca là Sa môn Gotama.
Sau này, nói chung người tu sĩ theo đạo Phật gọi là Sa môn. Người tu theo đạo Bà-la-môn thì gọi là Bà-la-môn.
Đạo Phật định nghĩa Sa môn, trước hết là do Sa môn đoạn trừ mọi điều ác, làm mọi điều lành, chứ không phải vì xuống tóc, mặc áo cà sa, mà gọi là Sa môn. Kinh Pháp Cú răn dạy người tu hành:
“Đầu trọc không Sa môn,
Nếu phóng túng nói láo,
Ai còn đầy dục tham,
Sao được gọi Sa môn?
(Kệ 264)
“Ai lắng dịu hoàn toàn,
Các điều ác lớn nhỏ,
Vì lắng dịu ác pháp,
Được gọi là Sa môn.”
(Kệ 265)
Bốn loại Sa môn
Sau bữa ăn cuối cùng do người thợ rèn Thuần Đà (Cunda) cúng dường Phật trước khi Phật nhập diệt, Thuần Đà có hỏi Phật có mấy loại Sa môn.
Phật trả lời có bốn loại Sa môn như sau:
1. Thắng đạo Sa môn là bậc Thánh ngộ đạo đã chứng quả A la hán.
2. Thuyết đạo sa môn là bậc Thánh hữu học, tuy chưa chứng quả A la hán, nhưng đã hiểu rõ, chính xác nội dung giáo lý đạo Phật và khéo giảng thuyết giáo lý đó cho chúng sinh được nghe và có lợi ích.
3. Hoạt đạo sa môn là những người, tuy chưa xuất gia nhưng chưa được khai ngộ, còn là phàm phu, tuy nhiên vẫn sống đúng theo giới luật, nỗ lực học đạo.
4. Ô đạo sa môn là những người tuy có xuất gia, nhưng không giữ giới luật, không có chánh tín, lười biếng tu đạo, là bọn làm nhơ bẩn đạo.
Một cách phân biệt khác về bốn loại sa môn:
Kinh Phật Nguyên thủy còn dùng từ sa môn theo nghĩa hẹp để chỉ những tu sĩ đã đoạn ba kiết sử đầu, chứng được quả Thánh đầu trong bốn quả thánh, gọi là Sơ quả hay là Quả Dự Lưu, dịch âm là Tu Đà Hoàn (P. Sotapanna). Như vậy, trong bốn quả thánh của Phật giáo Nguyên thủy, quả Thánh đầu (Tu Đà Hoàn) được gọi là sa môn (theo nghĩa hẹp). Còn các quả thánh tiếp theo thì gọi theo thứ bậc, thứ hai, thứ ba, thứ tư. Sa môn thứ hai (H. Đệ nhị sa môn). Một tên gọi khác là Nhất lai. Chỉ cho tu sĩ đã đoạn trừ ba kiết sử, và làm nhẹ bớt tham và sân. Vị này chỉ cần trở lại thế giới này một lần nữa (tức Dục giới), rồi nhập Niết Bàn. Vì vậy mà có tên Nhất lai đến một lần nữa. Sa môn thứ ba (H. Đệ tam sa môn). Một tên gọi khác là Bất Lai nghĩa là không còn phải trở lại (cõi Dục giới này nữa), sau khi sinh thiên, sẽ tại đấy chứng Niết Bàn. Là vị tu sĩ đã đoạn năm hạ phần kiết sử (x. kiết sử). Sa môn thứ tư (H. Đệ tứ Sa môn). Một tên gọi khác của A la hán, bậc Thánh đã đoạn trừ hết mọi lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, thành tựu tâm giải thoát khỏi mọi phiền não, tuệ giải thoát khỏi mọi mê lầm, và chứng nhập Niết Bàn.
(Tăng Chi I, 650-651)
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với SA MÔN tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận