Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ TAM BẢO trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ TAM BẢO theo từ điển Phật học như sau:
TAM BẢO
TAM BẢO
Bảo là báu, tam bảo là ba ngôi báu : Phật bảo, Pháp bảo,Tăng bảo.
1. Phật bảo : Phật là tiếng Phạn gọi đủ là Phật Đà. Trung hoa dịch là Giác giả. Giác giả là người giác ngộ chân lý tuyệt đối viên minh, viên mãn. Là người giải thoát vĩnh viễn hai món sanh tử, chứng nhập và an trụ trong ba thứ Niết Bàn, có đủ Thập Lực, Tứ vô úy, Thập bát bất cộng pháp, siêu việt thế gian.
– Giác giả có ba nghĩa : Tự giác (chính mình đã giác ngộ). Tha giác (làm cho người khác giác ngộ). Mãn giác (làm cho mình và người khác giác ngộ viên mãn). Vì có đủ những đức tính siêu việt như thế cho nên Đức Phật được tôn xưng là Phật bảo.
2. Pháp bảo : Pháp tiếng Phạn gọi là Đạt Ma Da, Trung Hoa dịch là Pháp. Chữ Pháp này cùng với định nghĩa của Duy Thức “ nhậm trì tự tánh, quỷ sanh vật giải” có phần sai biệt, Pháp ở đây chỉ cho những giáo lý của Đức Phật nói ra, được ghi chép thành ba tạng giáo điển để dạy cho chúng sanh dẹp bỏ những cái tà, thực hành những điều chánh, tránh các việc ác, làm những việc lành. Giáo pháp đó được tùy theo căn tánh của chúng sanh mà giáo hóa, mà hướng dẫn chỉ bày phương pháp, khiến cho chúng sanh dứt trừ phiền não bệnh, đạt đến quả vị giải thoát Niết Bàn như Phật, vì thế cho nên Pháp được gọi là Pháp bảo.
3. Tăng bảo : Tăng tiếng Phạn gọi là Tăng-Gìa-Da, Trung Hoa dịch là Hoà Hợp Chúng. Đó là những vị đệ tử Phật cùng ở trong một hệ thống tổ chức, một đoàn thể cùng vâng giữ qui luật. Đại để có 6 điều :
a. Thân hòa đồng ở một nơi, cùng sinh hoạt.
b. Miệng luôn nói những điều lành, hòa nhã, không tranh cãi.
c. Tâm ý cởi mở đồng vui hòa, không có tà ý riêng.
d. Thấy biết điều hay đồng giải bày cho nhau.
e. Giới pháp đồng lãnh thọ vâng giữ.
f. Có phẩm vật… đồng chia đều.
Theo PHDS của HT Thích Từ Thông
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với TAM BẢO tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận