Vô thường trong Phật giáo có nghĩa là:
無常; S: anitya; P: anicca; nghĩa là không chắc chắn, thay đổi;
Một trong Ba tính chất (s: trilakṣaṇa) của tất cả sự vật. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại diệt. Từ tính vô thường ta có thể suy luận ra hai đặc tính kia là Khổ (s: duḥkha) và Vô ngã (s: anātman). Vô thường là tính chất cơ bản của cuộc sống, không có vô thường thì không có sự tồn tại; vô thường cũng chính là khả năng dẫn đến giải thoát. Có tri kiến vô thường hành giả mới bước vào Thánh đạo (s: ārya-mārga) – vì vậy tri kiến vô thường được xem là tri kiến của bậc Dự lưu (s: śrotāpanna).
Vô thường là gốc của Khổ vì Sinh, Thành, Hoại, Diệt tự nó là Khổ. Tính Vô thường của Ngũ uẩn dẫn đến kết luận Vô ngã, vì không có gì vừa vô thường vừa Khổ lại là một cái Ngã trường tồn được. Ngoài ra, trong Ðại thừa, tính vô thường của mọi pháp dẫn đến kết luận về tính Không.
Để lại một bình luận