Trong đời không có cái gì là tự nhiên mà có. Tất cả đều do nhân duyên sinh ra và cũng do nhân duyên mà biến đổi. Sự bình an trong cuộc sống cũng nương theo luật duyên khởi mà vận hành. Có thể khẳng định rằng, sự an lạc của cá nhân và sự thanh bình trong xã hội phần lớn là do chính con người quyết định. Và ngược lại, sự bất an, chiến tranh, bạo động, thù địch cũng do chính con người tạo ra và thậm chí ngay những thảm họa thiên nhiên cũng có một phần trách nhiệm của con người. Chúng hoàn toàn không phải do một đấng tối cao hay là một năng lực siêu nhiên nào ban phước, giáng họa, thưởng phạt con người cả.
Tận trong sâu thẳm của cõi lòng, tất cả mọi người đều mong muốn có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Vậy thì tại sao từ xưa cho đến nay con người vẫn luôn sống trong lo sợ, bất an và đau khổ cũng như chiến tranh, bạo loạn, thù địch vẫn diễn ra liên miên? Nguyên nhân của vấn đề này là do đâu?
Có thể khẳng định rằng, sở dĩ con người vượt lên trên tất cả muôn loài là bởi con người có lý trí, có ý thức. Hay nói cách khác là con người có tâm. Tâm là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tính chất của cuộc sống. Thiện hay ác cũng do tâm, hạnh phúc hay khổ đau cũng xuất phát từ tâm. Và do vậy, con người có thể sống thanh bình, hạnh phúc hay không cũng chính do tâm đóng vai trò quyết định. Nếu chúng ta nói năng hay hành động với tâm thanh tịnh thì chúng ta có được hạnh phúc, sống trong an bình; ngược lại, nếu nói năng hay hành động với tâm nhiễm ô thì chúng ta sẽ phải khổ đau, bất an, gây nên sự hận thù và bất hòa với người khác. Là bạn hay là thù cũng do chính chúng ta tạo nên. Đức Đạt-lai Lạt-ma có dạy rằng: “Bạn và thù bắt nguồn từ những nhân tố khác nhau, trong đó nhân tố quan trọng nhất là thái độ của chúng ta. Khi chúng ta cởi mở với người khác và sẵn sàng bày tỏ tình bạn và sự thiện cảm với họ thì ngay lập tức sẽ tạo ra một bầu không khí tốt. Khi chúng ta làm được điều đó thì người khác sẽ đến với chúng ta với một nụ cười rạng rỡ trên nét mặt của họ, không phải là một nụ cười gượng ép, giả tạo mà là một nụ cười chân thực. Nhưng nếu chúng ta mang trong mình những ý định xấu, những ý tưởng tiêu cực, nếu chúng ta không quan tâm đến những quyền lợi và những ước muốn của người khác; hay nói cách khác, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mình và có ý muốn lợi dụng người khác cho những mục đích của cá nhân mình thì tình huống sẽ trở nên xấu đi, thậm chí ngay những người thân trong gia đình chúng ta cũng sẽ rời xa chúng ta. Điều này cho thấy rằng bạn và thù là sản phẩm của chính thái độ của cá nhân chúng ta”1.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất an, chiến tranh, bạo loạn, gây hận kết thù với nhau đó là lòng tham của con người. Dân gian ta thường bảo rằng “tham thì thâm”, quả thật là một sự đúc kết thâm thúy. Lòng tham làm cho con người mất hết lương tri, họ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được tham vọng của bản thân. Vì lòng tham con người có thể tàn hại, chém giết lẫn nhau. Đôi khi vì lòng tham mà có những người đã giết hại cả những người thân yêu nhất của mình, họ có thể giết cha mẹ, bà con, họ hàng và những người bạn đã đồng cam cộng khổ. Lịch sử đã cho thấy có không ít những vị hoàng tử đã giết chết vua cha để đoạt lấy ngai vàng, không ít những vị hoàng thân quốc thích, các quan đại thần đã lập mưu tính kế để soán ngôi, đoạt vị. Trong xã hội hiện tại cũng có không ít những người con giết cha mẹ để đoạt gia tài, anh em chém giết nhau hay đưa nhau ra tòa vì chia tài sản không đồng đều, vợ chồng mưu hại nhau để lấy tài sản của nhau. Một khi con người bị sai sử bởi lòng tham thì chính bản thân họ cũng bất an, sợ sệt, chính họ cũng không có hạnh phúc. Người nào càng ham muốn nhiều thì nhu cầu lợi dưỡng càng nhiều thêm, do vậy khổ đau ngày càng tăng.
Trong Đại kinh khổ uẩn, Đức Phật có dạy rằng: “Này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, nên vua tranh đoạt với vua, Sát đế lỵ tranh đoạt với Sát đế lỵ, Bà la môn tranh đoạt với Bà la môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, cha mẹ, anh em, bè bạn tranh đoạt lẫn nhau. Khi họ đã dấn thân vào sự tranh đoạt, họ đánh nhau bằng tay, ném nhau bằng đá, đập nhau bằng gậy và chém nhau bằng gươm. Do đó, họ bị tử vong, hoặc khổ đau gần như tử vong”2.
Đấy là nói về tham tiền tài, danh vọng. Con người còn bị sự chi phối bởi lòng tham đắm sắc dục, tham về ăn uống, ưa sự nhàn rỗi. Đối với sắc đẹp, mà cụ thể là đối với những khoái cảm về xúc chạm thân xác, con người đắm say trong đó, không biết chán, không biết mệt và càng ngày càng lún sâu thêm. Kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Sắc, Đức Phật có dạy rằng: “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc của người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông” (tương tự đối với thanh, hương, vị và xúc) và “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như sắc của người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà” (tương tự đối với thanh, hương, vị và xúc).3 Sự hưởng thụ khoái cảm nhục dục quá độ khiến cho thân thể hao mòn, bệnh tật phát sinh. Trong thực tế, nhiều người đã có bạn đời nhưng khi gặp những người khác phái vẫn nảy sinh sự ham muốn như thường. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của bao gia đình, đem đến cái chết oan uổng của nhiều người và dẫn đến những tai nạn thương tâm. Hậu quả của vấn đề này còn đưa đến cho xã hội nhiều tai hại khác, đó là an ninh xã hội bị xáo trộn, tội phạm tăng thêm, số trẻ em mồ côi, vất vưởng không nơi ngương tựa càng nhiều,… Và đã có không ít những quan chức, doanh nhân đã phải thân bại danh liệt cũng chỉ vì sắc dục. Sự đắm nhiễm sắc dục quá độ khiến cho bao người cuồng loạn, khổ đau.
Sự sân hận, ganh ghét lẫn nhau cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chia rẽ, bất an và tàn hại lẫn nhau. Vì nóng giận, ganh ghét, con người có thể chém giết lẫn nhau, mưu hại nhau, đánh mất tình thân, phá vỡ sự giao hảo giữa người với người. Đồng thời, một khi con người nung nấu sự tức giận, ganh ghét trong lòng thì chính họ cũng bị chúng thiêu đốt, bị chúng hành hạ, chẳng những mang tâm bệnh mà còn dẫn đến thân bệnh. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người bị bệnh tim và bệnh cao huyết áp. Vì trong cơn giận dữ, căm phẫn, họ rất dễ bị ngộp thở, bị xuất huyết não và dẫn đến đột tử. Trong bài giảng về Từ bi, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nhấn mạnh rằng: “Sự ghét giận khiến chúng ta mất sức khỏe và mất đi những người bạn. Và cuối cùng nó sẽ tàn hoại đời sống của chúng ta. Những xúc cảm tiêu cực gây ra những nguy hại ở tất cả mọi cấp độ – cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, và thậm chí cả toàn thế giới”4.
Những nhận thức sai lầm, những định kiến, cố chấp và sự phân biệt giai cấp, giới tính, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, màu da cũng là những nguyên nhân gây ra khổ đau, chia rẽ, phá hủy đời sống an bình, hạnh phúc của cá nhân và xã hội. Những hành vi, những lời nói và những ý nghĩ bất thiện của con người, do chính con người tạo ra dưới sự thúc đẩy của tham, sân, si chẳng những gây ra khổ đau cho con người trong hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tương lai. Và một khi mình đã tạo ra nghiệp ác thì không thể nào tránh khỏi hậu quả:
Không trời cao biển rộng,
Không hang động, núi rừng.
Ðã tạo nghiệp ác độc,
Trên đời hết chỗ dung.
(Kinh Pháp Cú, 127)
Thế thì làm sao để xây dựng cuộc sống bình an, hạnh phúc? Khổ đau và bất an do tâm tạo ra, hay nói cách khác là do chính con người tạo ra thì sự bình an, hạnh phúc cũng bắt nguồn từ chính tâm thức của con người, từ chính sự chuyển hóa nơi mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội. Theo ngài Lama Thubten Zopa Rinpoche: “Bạn không tìm thấy được sự thanh bình nếu bạn quên đi việc chuyển hóa nội tâm. Thông qua sự trưởng dưỡng của một tấm lòng lương thiện, người ta có thể đạt được sự an bình trong tâm hồn”5. Để giúp con người tìm được sự bình an trong tâm hồn, nếm được hương vị an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống, để mọi người có thể sống với nhau trong thanh bình, hòa hợp, Đức Thế Tôn đã dạy nhiều phương pháp thực tập. Những phương pháp ấy quả thật rất thiết thực và đem lại lợi ích ngay trong hiện tại cũng như tương lai cho những ai thực tập theo những giáo pháp ấy. Giáo sư Jan Willis, trong bài tham luận tại Hội thảo về vấn đề hòa bình thế giới, đã khẳng định rằng: “Tôi tin rằng Phật giáo đem đến cho chúng ta những phương pháp thiết thực để giúp chúng ta chuyển hóa một thế giới bạo động và để xây dựng một nền thanh bình dài lâu, trước hết là từ bên trong mỗi chúng ta rồi nới rộng dần”6.
Một trong những pháp môn căn bản nhất mà Đức Phật đã dạy để giúp con người sống an lành, hạnh phúc trong tinh thần hòa hợp, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau đấy là từ bi. Tu tập tâm từ bi giúp cho chúng ta mở rộng cõi lòng, biết bao dung và tha thứ, biết thương yêu, cảm thông và chia sẻ với mọi người, không còn bị tâm sân hận, ganh ghét, đố kỵ nung đốt và sai khiến nữa. Đồng thời, khi đối xử với mọi người với tâm từ ái, chúng ta có thể cảm hóa được người khác, dễ dàng tạo được thiện cảm trong lòng mọi người, do vậy mà chúng ta có thêm những mối quan hệ tốt và bớt đi những mối thù địch. Có một lời dạy trong kinh Pháp Cú mà hầu như tất cả mọi người con Phật đều biết đến, đó là:
Hận thù diệt hận thù,
Ðời này không có được,
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.
(Kinh Pháp Cú, 5)
Trong kinh Thương yêu, Đức Phật đã dạy về sự tu tập tâm từ như sau: “Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài. Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất”.1
Cùng với việc tu tập tâm từ bi là thực hành hạnh bố thí, thiểu dục tri túc để chuyển hóa tâm tham lam. Bởi thấy được nguyên nhân gây ra khổ đau và xung đột trong cuộc sống là sự tham lam, vì vậy Đức Phật đã dạy pháp môn bố thí và sống thiểu dục tri túc. Một khi chúng ta sống ít ham muốn, biết vừa đủ và biết dâng tặng những vật thuộc sở hữu của mình cho người khác thì lúc ấy tâm tham dục trong chúng ta sẽ bị suy yếu dần. Và khi chúng ta sống một đời sống tri túc thì chúng ta rất dễ có được niềm an lạc. Kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy rằng: “Này các đệ tử, nếu các vị muốn giải thoát mọi khổ đau thì nên thường xuyên tu tập quán biết đủ. Pháp biết đủ là cơ sở của sự an lạc, hạnh phúc và sung mãn. Người biết đủ thì dẫu nằm trên đất vẫn thấy an lạc, người không biết đủ dù sống ở thiên đường vẫn không vừa ý”. Người biết sống tri túc thì không lấy lòng người khác bằng cách dua nịnh, luồn cúi và cũng không bị các giác quan sai sử, thao túng, vì vậy mà tâm người đó được thanh thản và không tổn hại đến người khác, không gây ra bất hòa.
Tu tập tâm nhẫn nhục cũng là một pháp môn giúp hành giả có thể tạo dựng hạnh phúc cho mình và được mọi người mến mộ. Tu tập hạnh nhẫn nhục thì hành giả phải biết làm chủ tâm ý của mình, làm chủ được lời nói cũng như hành vi của mình, không để tâm sân hận thiêu đốt, không để những ý nghĩ ghen ghét, thù địch sai khiến, phải thận trọng trong từng lời ăn tiếng nói, trong từng hành vi biểu hiện của mình, không buông lời thô ác để trả đũa. Nhẫn nhục là sự biểu hiện sức mạnh nội tâm. Nhẫn nhục còn là phương thuốc thần hiệu để đối trị tâm sân hận, làm lắng dịu lòng sân hận trong mình và có thể làm dịu lại tâm sân hận, thù địch nơi người khác. Nhẫn nhục đúng lúc có thể cảm hóa người khác dễ dàng.
Sáu phép hòa kỉnh cũng là những nguyên tắc sống giúp con người tạo lập một tập thể hòa hợp, một xã hội thanh bình. Nếu mọi người đều thực tập sáu phép hòa kỉnh thì xã hội sẽ không có sự tranh chấp, cướp đoạt, tàn hại lẫn nhau. Ngược lại, mọi người sẽ thương kính nhau, hòa đồng với nhau như nước với sữa, chia sẻ ngọt bùi cùng nhau và giúp nhau cùng tiến bộ, cùng xây dựng hạnh phúc cho cuộc sống.
Những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho người Phật tử tại gia cũng như hàng ngũ xuất gia hành trì cũng không ngoài mục đích là giúp hành giả đạt được sự an lạc nội tâm, tạo lập một đời sống hạnh phúc, bình an cho cá nhân và xã hội. Điều này chúng ta có thể nhận thấy rất rõ qua năm giới: không sát hại, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu. Đây là năm giới điều căn bản nhất trong đời sống tu tập của người Phật tử, xuất gia cũng như tại gia. Việc giết hại kẻ khác, trộm cắp tài vật của người khác, sống không chung thủy, nói dối trá, lừa gạt người khác và sử dụng những chất gây nghiện, những chất độc hại khiến cho mình và người đều chịu khổ đau, bất hạnh đã gây ra những xáo trộn, bất an và nguy hại cho gia đình cùng cộng đồng xã hội. Vì thế, muốn có được an vui và thanh bình trong cuộc sống thì phải thực tập năm giới điều này. Sự sống là vô cùng quan trọng. Chúng ta muốn tồn tại, muốn được sống thanh bình mà lại hủy diệt sự sống quanh ta thì chẳng khác gì việc mò kim đáy bể. Vì thế, bảo vệ và tôn trọng sự sống, không gây tổn hại đến mạng sống của tất cả mọi loài cũng có nghĩa là chúng ta đang xây dựng cho hạnh phúc của cá nhân và sự thanh bình của cộng đồng xã hội. Chúng ta có thể khẳng định rằng năm giới này là những nguyên tắc đạo đức căn bản của xã hội loài người, chứ không riêng gì những người đệ tử Phật. Là một người có lý trí, có lương tri, muốn sống trong hạnh phúc, bình an thì nên thực hành theo năm nguyên tắc đạo đức này.
Với tâm từ bi vô lượng, muốn cứu khổ cho muôn loài, muốn giúp mọi người thoát khỏi khổ đau trong cuộc sống, thái tử Tất-đạt-đa đã từ bỏ ngai vàng, từ giã hoàng cung xa hoa lộng lẫy, từ giã người vợ con yêu dấu để ra đi với mong ước tìm ra chân lý, tìm ra con đường cứu khổ. Vì thế, sau khi đã đạt được sự giác ngộ, giải thoát mọi hệ lụy, khổ đau, Đức Phật đã không biết mệt mỏi, không quản ngại gian nan, vất vả trong việc giảng dạy những pháp môn tu tập đến với mọi người nhằm giúp họ có thể tìm được niềm hạnh phúc, an lạc trong cuộc sống, hay nói cách khác là để giúp mọi người có thể sống trong thanh bình. Chính vì vậy mà tất cả những pháp môn tu tập của Đức Phật đều không ngoài mục đích ấy. Tuy có nhiều pháp môn tu tập khác nhau để con người có thể thiết lập bình an, hạnh phúc nhưng cốt tủy vẫn không ngoài việc chuyển hóa tham lam, sân hận và si mê nơi mỗi người, vẫn dựa trên nền tảng của giới-định-tuệ và khởi điểm là từ nơi chuyển hóa nội tâm của mỗi cá nhân. Xã hội không thể nào có được sự thanh bình khi mỗi cá nhân, những tế bào cấu thành nên xã hội, không có được sự bình an; khi mà trong tâm mỗi người vẫn còn bị khích động bởi sự tham lam, sân hận, vẫn ngổn ngang những ý nghĩ thù hằn, ganh ghét cùng những ý tưởng phân biệt, kỳ thị.
Ngày nay, với những thành tựu khoa học, công nghệ song hành với việc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt, thì ý thức về trách nhiệm đối với sự an bình, hạnh phúc đối với cá nhân và cộng đồng xã hội cần được nâng cao hơn nữa. Nếu không thì chỉ vì một ý niệm thù địch, chỉ vì một phút thiếu kiềm chế là chúng có thể gây hại đến không biết bao nhiêu người. Để góp phần thiết lập bình an trong cuộc sống, cũng là thực hiện tâm nguyện cứu khổ độ sanh của Đức Từ Phụ, những người con Phật chúng ta cần phải tu tập để có được hạnh phúc, an lạc đồng thời nỗ lực hơn nữa trong việc truyền bá giáo lý đạo Phật đến với mọi người, chia sẻ kinh nghiệm tu tập với người khác, khiến cho cá nhân và xã hội đều hạnh phúc, an vui.
Quảng Trí (giacngo.vn)
HT.Thích Nhất Hạnh dịch, Kinh Thương yêu. 1 His Holiness The Fourteenth Dalai Lama, Compassion. 2 HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ, Kinh số 13: Đại kinh khổ uẩn 3 HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Sắc. 4 His Holiness The Fourteenth Dalai Lama, Ibib. 5 Lama Thubten Zopa Rinpoche, In search of meaningful life. 6 Jan Willis, Buddhism and peace.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.